Vị trí địa lý
Nhật Bản (Japan) trước đây còn gọi là Nhật Bổn hay đất nước Phù Tang là một quốc gia hải đảo hình vòng cung với tổng diện tích là 378.000km2 nằm xoải theo bên sườn phía Đông lục địa châu Á. Nó nằm ở phía Đông Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc, trải từ biển Okhotsk ở phía Bắc đến biển Đông Trung Quốc ở phía Nam.
Ở Nhật Bản có rất nhiều núi và núi lửa, tiêu biểu nhất là ngọn núi Phú Sĩ cao nhất Nhật Bản, nằm giữa đồng bằng, lại có tuyết bao phủ nơi đỉnh núi. Vùng Tokyo, bao gồm cả thủ đô Tokyo và một vài quận xung quanh là trung tâm thủ phủ lớn nhất thế giới với khoảng 30 triệu người sinh sống.
Địa hình của Nhật Bản chủ yếu là đồi núi (chiếm 71%). ở đây có nhiều núi có nguồn gốc núi lửa, một số ngọn vẫn còn hoạt động như núi Phú Sĩ. Nhật Bản có tổng cộng 3900 hòn đảo nhỏ và 4 đảo lớn là đảo Honshu (chiếm khoảng 60% toàn thể diện tích), đảo Hokkaido, đảo Kyushu và đảo Shikoku. Trong số các đảo nhỏ thì đảo Okinawa là đảo lớn nhất và quan trọng nhất, nằm giữa đường kéo dài từ mỏm phía cực Tây của đảo Honshu tới đảo Đài Loan.
Mặc dù là nước có khí hậu ôn hoà nhưng miền Bắc có mùa đông dài lạnh và có tuyết, miền Nam có mùa hè nóng và mùa đông ôn hoà. Lượng mưa tương đối cao. Mùa hè thường có mưa to và bão.
Nhật Bản có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt. Mùa Xuân từ tháng 3 tới tháng 5, mùa Hạ từ tháng 6 tới tháng 8, mùa Thu từ tháng 9 đến tháng 11 và mùa Đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Nhiệt độ mùa Đông và mùa Hạ chênh nhau tới trên 30°C. Ngoài ra, các dãy núi chạy dọc theo chiều dài Nhật Bản phân chia đất nước thành hai phần: phần biển Nhật Bản và phần Bắc Thái Bình Dượng. Vào mùa Đông phần biển Nhật Bản có nhiều tuyết rơi cũng là một đặc điểm nổi bật của khí hậu Nhật Bản.
Đặc điểm dân cư
Theo điều tra dân số năm 2005, Nhật Bản có khoảng 127,4 triệu người, đứng thứ 10 trên thế giới với mật độ dân số là 337người/km2. Dân số Nhật Bản phân lớn là đồng nhất về ngôn ngữ và văn hoá ngoại trừ thiểu số những công dân nước ngoài. Tộc người chủ yếu của Nhật Bản là người Yamato cùng với các nhóm dân tộc thiểu số như Aimu hay Ryukyuans.
Nhật Bản có chỉ số tuổi thọ vào loại lớn nhất thế giới (năm 2006 trung bình là 81,25 tuổi). Hiện nay Nhật Bản là nước có dân số già. Chính phủ Nhật đang thực hiện chính sách khuyến khích sinh đẻ và nhập cư để duy trì sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Có khoảng 84% đến 96% dân số Nhật theo cả đạo Shinto và Phật giáo Đại Thừa. Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo từ Trung Quốc cũng có ảnh hưởng đến niềm tin và tín ngưỡng của người Nhật. 7% dân số theo Đạo Cơ Đốc. Bên cạnh dó, từ giữa thế kỷ 19, rất nhiều đạo giáo đã xuất hiện ở Nhật Bản.
Có đến 90% dân số nói tiếng Nhật. Đây là loại ngôn ngữ kết dính được phân biệt bởi một hệ thống các từ ngữ lễ giáo phản ánh xã hội tôn ti và trọng đạo đức của Nhật Bản. Tiếng Ainu chỉ được sử dụng bởi một số ít người già bản địa còn sống tại Hokkaido. Phần lớn các trường công và tư ở Nhật đều buộc học sinh phải học cả tiếng Nhật và tiếng Anh.
Kinh tế và văn hoá
Về kinh tế: Nhật Bản là nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên (ngoại trừ gỗ và hải sản) trong khi số dân lại đông nên sau chiến tranh thế giới thứ 2, nền kinh tế Nhật gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi và phát triển cao độ. Từ 1974 đến nay, tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản vẫn tiếp tục là nước có nền kinh tế – công nghiệp – tài chính thương mại – dịch vụ – khoa học kỹ thuật lớn đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). (GDP trên dầu người năm 1989 đã là 36.217 USD. Gán cân thương mại dư thừa và dự trữ ngoại tệ dứng hàng đầu thế giới, vì vậy nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài rất nhiều. Nhật Bản là nước có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật Bản là thiết bị giao thông vận tải, xe cơ giới, hàng điện tử, máy móc điện tử và hoá chất. Những mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc, thiết bị, chất đốt, thực phẩm (đặc biệt là thịt bò), hoá chất, ‘nguyên liệu dệt may và những nguyên liệu cho các ngành công nghiệp của đất nước.
Về văn hoá: Cho đến nay, người ta vẫn chưa chắc chắn về xuất xứ và thời gian xuất hiện của những cư dân đầu tiên trên quần đảo Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều cho rằng người Nhật đã có mặt trên quần đảo này từ xa xưa và định cư liên tục từ đó cho đến nay. Và người ta tin rằng tổ tiên của người Nhật là những người đã làm nên đồ gốm mang tên Jomon. Những người này được biết là dã có mặt trên quần đảo ít nhất từ năm 5000 TCN, sau đó, theo thời gian họ pha trộn với các giống người khác rồi phát triển thành dân tộc Nhật Bản ngày nay.
Ngôn ngữ và phong tục của người Nhật gồm những thành tố văn hoá của cả phương Bắc lẫn phương Nam. Trong các tập quán và tín ngưỡng; ta thấy các lễ nghi gắn với văn hoá lúa nước vốn có nguồn gôc ở phía Nam còn huyền thoại lập nước thì có nguồn gốc ở phía Bắc. Vì vậy, người ta cho rằng dân cư ở đây có xuất xứ từ cả phương Bắc lẫn phương Nam, đến Nhật Bản từ thời tiền sử và qua một quá trình hoà trộn các chủng tộc dần dần tạo ra dân tộc Nhật Bản.
Xã hội Nhật Bản có những đặc biệt về giao thiệp. Người Nhật thường cúi chào bằng cách gập người xuống và độ hạ thấp tuỳ- thuộc vào địa vị của cả hai người. Đây là một dấu hiệu quan trọng để bày tỏ sự kính trọng. Một nét phong tục khác là trao đổi danh thiếp. Mỗi lần giới thiệu hay gặp mặt đều cần tới danh thiếp và việc nhận tấm danh thiếp bằng hai tay là một cử chỉ lễ độ. Trong việc giao thiệp, người Nhật thường không thích sự trực tiếp và việc trung gian đóng một vai trò quan trọng trong cách giải quyết mọi hoàn cảnh khó khăn. Cũng như dối với nhiều người châu Á khác, người ngoại quốc tới Nhật Bản cần phải bình tĩnh trước mọi điều không vừa ý, không nên nổi giận và luôn luôn nên nở nụ cười.
Cảnh quan du lịch
Đến Nhật Bản đẹp nhất là vào mùa xuân bởi vào thời gian này đâu đâu cũng thấy tràn ngập sắc hoa anh đào với vẻ đẹp rực rỡ và quyến rũ.
Đến thủ đô Tokyo bạn sẽ có cơ hội đến thăm khu phố cổ Asakusa với ngôi đền cổ nổi tiếng Asakusa, thăm quảng trường Hoàng cung và chiêm ngưỡng Hoàng cung Nhật Bản được trang hoàng lộng lẫy bởi sắc màu rực rỡ hoa anh đào. Du khách còn được thưởng ngoạn sự đa dạng và quyến rũ của hoa anh đào tại công viên Hamarikyu và công viên Ueno, đây là công viên nổi tiếng với hơn 1000 loài hoa anh đào, mùa anh đào nở Ueno là điểm hấp dẫn nhất thủ đô Tokyo, là nơi thu hút đông đảo khách du lịch trên toàn thế giới đến thăm.
Hồ Kawaguchi, núi Phú Sĩ và Toyohashin là những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Nhật Bản của mình. Núi Phú Sĩ là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Với độ cao 3776m, đây là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, đỉnh núi quanh năm tuyết phủ. Vào mùa xuân, phú Sĩ tạo nên khung cảnh đẹp như một bức tranh rực rỡ sắc màu giữa mênh mông gió và mây. Khi tham quan núi phú Sĩ, nếu thời tiết tốt, du khách có thể tắm suối nước khoáng lưu huỳnh owakudani, lên thuyền du ngoạn hồ Ashi – một trong những thắng cảnh nổi tiếng Ngũ Hồ. Cố đô Kyoto cũng là điểm đến hấp dẫn trong hành trình. Tại đây, du khách sẽ được thăm thắng cảnh nổi tiếng của thành phố chùa Kiyomizu trong sắc hoa anh đào. Tiếp đó, trong cùng hành trình, du khách sẽ tới Nara để tham quan ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản Todaji và công viên Nara.
Nhật Bản còn có những suối nước nóng kết hợp với liệu pháp chữa bệnh cổ truyền của Nhật Bản được truyền tụng như thứ nước thần tiên: khử độc, giảm đau, tắm một lần da dẻ đẹp ra… Bạn có thể khám phá các suối nước nóng như Tamatsukuri, Hakone…
Nhật Bản cũng là xứ sở của nhiều di tích cổ và phong cảnh được coi là đẹp nhất thế giới như khu vườn Hoàng gia, lâu đài cổ Kumamoto, cầu Nijubashi, đền Minh Trị Tiên Hoàng, toà thành cổ Osaka-jo, đền thờ Kiyomizu, toà nhà tổng chỉ huy chiến binh Samurai Kinkakuji…
Xem thông tin về du lịch Nhật Bản.