Theo định hướng phát triển các ngành kinh tế của An Giang đến năm 2010, tỉnh đã xác định: "Phát triển du lịch An Giang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch, tăng cường hoạt động lữ hành mở rộng tour tuyến để tăng nguồn thu cho ngành du lịch. Đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực để phát triển bền vững".
Du khách tham quan nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (An Giang)
Cụ thể là Ngành phải tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm cũng như các dự án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư hệ thống giao thông đến các các khu, điểm du lịch. Có chính sách ưu đãi cho các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch tại An Giang.
Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với ngành du lịch thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng hợp tác, liên kết với ngành du lịch tỉnh Kandal, tỉnh Takeo (vương quốc Campuchia).Triển khai cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh lữ hành trong tỉnh mở tour, tuyến sang Campuchia và ngược lại. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các công ty lữ hành trong và ngoài nước để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Một công tác quan trọng không thể thiếu là công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cho cán bộ quản lý du lịch; hỗ trợ đào tạo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ-du lịch bao gồm: quản trị nhà hàng - khách sạn, nghiệp vụ lễ tân, bàn, buồng, bếp, an ninh khách sạn, dẫn chương trình hội nghị-đám tiệc, thuyết minh viên, chăm sóc khách hàng, kỷ năng thu thập thông tin - tuyên truyền và bảo vệ môi trường,…nhằm từng bước nâng cao chất lượng về hình thức lẫn nội dung phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về hoạt động du lịch thông qua các phóng sự, phim tư liệu, website, bản tin, bản đồ, ấn phẩm, tham dự hội chợ, biển quảng cáo, tổ chức các đoàn Famtrip về An Giang cũng cần được ngành duy trì và xúc tiến mạnh hơn trong năm 2010.
Bên cạnh đó, ngành cũng không ngừng tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng trong công tác quản lý bảo vệ duy tu và tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh; khu, điểm du lịch về: vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự và kiên quyết xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, nhằm xây dựng nếp sống văn minh, an toàn và thân thiện tại các khu, điểm du lịch, các nhà hàng - khách sạn, trung tâm thương mại, cửa khẩu,…
Tham quan cù lao Ông Hổ (An Giang)
Quan tâm và tập trung đầu tư cho việc tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống và phát triển các loại hình văn hoá nghệ thuật của các dân tộc Kinh-Hoa-Chăm-Khơmer; du lịch mùa nước nổi; phát triển và duy trì mô hình du lịch cộng đồng; nghiên cứu và phát triển thêm một số mô hình du lịch mới.
Mặt khác, Ngành xây dựng kế hoạch cùng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở An Giang và ĐBSCL, Tp. Hồ Chí Minh về chương trình giảm giá các dịch vụ du lịch như: giá phòng nghỉ, giá tour, ăn uống, đi lại, giá các sản phẩm ẩm thực, các dịch vụ phụ trợ, quà lưu niệm, .... đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và cung cách phục vụ du khách ngày càng văn minh, lịch sự, thân thiện và an toàn.
Trong năm 2010, ngành sẽ tiến hành các công việc trọng tâm như :Tham gia sự kiện du lịch trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia (Hà Nội); gia cố và thay đổi hình ảnh du lịch của các biển quảng cáo (Tịnh Biên, Vàm Cống, Chợ Mới); tổ chức đoàn doanh nghiệp và cơ quan báo chí về khảo sát các điểm tham quan du lịch tại Cù Lao Giêng - Chợ Mới( mô hình du lịch mới); tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế (TP. HCM); tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế (Campuchia); tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác với Tp.HCM, Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau và Hiệp hội Du lịch; thực hiện Chuyên đề Phát triển du lịch trên sóng truyền hình An Giang, chủ yếu cung cấp thông tin hoạt động du lịch để mời gọi đầu tư; quảng bá hình ảnh du lịch An Giang, ấn phẩm du lịch, ẩm thực, các hoạt động của doanh nghiệp du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi hội thảo, hội chợ, lễ hội..., chú trọng đến các sản phẩm du lịch mới như: du lịch cộng đồng và du lịch mùa nước nổi; hoàn thành kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm và liên hoan ẩm thực phục vụ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ V tỉnh An Giang năm 2011.
Với các giải pháp trên, thông qua các hoạt động phát triển du lịch sẽ nhằm vực dậy các tiềm năng và khai thác triệt để thế mạnh từ lợi thế thiên nhiên, từ các hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội...của địa phương, qua đó thu hút ngày càng đông du khách đến với An Giang, tạo đà cho Du lịch An Giang phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời gian tới.