Du lịch Việt Nam có những địa đạo vô cùng nổi tiếng bạn đừng lỡ bỏ qua. Nhất định phải kể đến 5 địa đạo kì tích nhất dành cho những ai yêu thích khám phá lịch sử dân tộc Việt Nam là: địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc, địa đạo Khe Trái, địa đạo Vĩnh Linh, địa đạo Nhơn Trạch. Tất cả đã góp phần giúp các chiến sĩ làm nên chiến thắng lịch sử kì diệu. Nếu đến Việt Nam – điểm hẹn tìm về lịch sử , bạn hãy nhớ 5 địa đạo không thể bỏ qua này nhé.
1. Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ dưới lòng đất thời chiến, có quy mô lớn nhất cả nước, thuộc huyên Củ Chi, cách Thành Phố Hồ Chí Minh 70km về hướng Tây Bắc, và được hình thành trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Không chỉ vậy, đây còn là công trình duy nhất công phu, logic và khoa học của Việt Nam lọt vào “Top 12 công trình ngoạn mục thế giới” . Hơn nữa còn là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước qua các hành trình du lịch Sài Gòn. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm… Đây là trận đồ biến hóa thu nhỏ của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Địa đạo Củ Chi được xây dựng vào cuối những năm 1940 trên vùng đất được mệnh danh là “ đất thép”. Khu di tích địa đạo gồm có 2 hệ thống địa đạo chính là Bến Dược và Bến Đình. Đây là địa điểm “cứu cánh” an toàn cho cán bộ và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Miền Nam. Để tạo ra được một hệ thống đồ sộ như thế, là công sức 20 năm ròng rã của người dân Củ Chi. Ban đầu, cư dân trong khu vực chỉ đào hầm, các địa đạo riêng lẻ của các xã được hình thành, để tránh các cuộc bố ráp như làm nơi trú ẩn cho bộ đội. Sau đó, công cuộc đấu tranh lên cao, nhu cầu đi lại cao, người dân ở 6 xã phía Bắc Củ Chi đã tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, đồ sộ.
Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến trên 200km. Ðường hầm sâu dưới đất từ 3-8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng. Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m. Trong thời gian chiến tranh, đây không chỉ là nơi trú ẩn an toàn mà còn là chỗ để sinh sống, cứu thương, chứa vũ khí… của nhân dân ta trong toàn khu vực. Vì vậy, để hiểu thêm về lịch sử chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam du khách hãy đặt tour du lịch địa đạo Củ Chi ngay bây giờ nhé.
2. Địa đạo Vịnh Mốc – Quảng Trị
Địa đạo Vịnh Mốc được biết đến là một công trình đặc biệt thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa đạo Vĩnh Mốc như một bảo tàng vô giá từng ngày từng ngày đón khách tới tham quan du lịch. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền bắc Việt Nam bằng không lực, thì mảnh đất Vĩnh Linh phía bắc sông Bến Hải trở thành túi bom, tuyến lửa của cuộc chiến. Trong khoảng thời gian trước khi Quảng Trị được giải phóng, từ 1965 đến 1972, mảnh đất chưa đầy 820 km2 của Vĩnh Linh phải chịu hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính trung bình mỗi người dân phải chịu 7 tấn. Vì thế, địa đạo Vịnh Mốc nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong suốt những năm 1965-1972. Điều đặc biệt, vị chỉ huy công trình này lúc bấy giờ chỉ vừa hết bậc tiểu học.
Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được coi là một hệ thống hầm sâu trong lòng đất, gồm 3 địa đạo chính nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn với tổng chiều dài trên 1700m. Du khách đến tham quan địa Vịnh Mốc sẽ như nhìn thấy một ngôi làng dưới lòng đất với rất nhiều căn hộ đủ chỗ cho 3 đến 4 người ở, 3 ghiếng nước và hội trường với sức chứa 50 người, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại…Hệ thống địa đạo Vĩnh Mốc có cấu trúc 3 tầng: tầng trên cùng sâu 8 – 10m dùng để sinh sống, tầng thứ 2 sâu 12 – 15m được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hoặc hội họp, tầng thứ 3 sâu 23m dùng để tránh bom. Các tầng này và các nhánh được kết nối với nhau qua trục chính dài 780m. Tất cả tạo nên một không gian sinh sống dành cho người dân ở đây, đảm bảo về vũ khí , lương thực, có cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng khác…
Đến với du lịch địa đạo Vịnh Mốc bạn được biết toàn bộ hệ thống địa đạo có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. Tại các cửa hầm đều có lắp đặt gỗ chống sập. Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc với 18000 ngày công. Trong những ngày mưa bom bão đạn, người dân đã đào và vận chuyển hang nghìn mét khối đất đá thì mới có được công trình kỳ vĩ và đặc biệt như ngày hôm nay.
Có thể nói, với hầm chứa khoảng 1200 người suốt ngày đêm tồn tại, địa đạo đã chở che bảo toàn mạng sống cho người dân Vịnh Mốc. Hơn nữa, người dân nơi đây còn sống và chiến đấu, đánh giặc ngay trên quê hương của mình, tập kết vận chuyển vũ khí lương thực, cấp cứu thương binh… Trong suốt ngày tháng tồn tại trong địa đạo không có bất kỳ tổn thất nào về người và còn đón thêm 17 em bé chào đời. Đó chính là một huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người.
Đúng vậy, du lịch địa đạo Vịnh Mốc cho ta thấy rằng, không điều gì của quá khứ trong những năm tháng chiến đấu, hy sinh và gian khổ lại có thể dễ dàng bị lãng quên. Cuộc hành trình về với địa đạo Vịnh Mốc, du khách như có thể cảm nhận được hơi thở nóng của cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương kiên cường của dân tộc, Tổ quốc mình.
3. Địa đạo Khe Trái – Thừa Thiên Huế
Nằm trong địa phận Thừa Thiên Huế, địa đạo Khe Trái được coi là một trong những di tích lịch sử chứng minh hùng hồn sự kiện lịch sử đặc biệt điển hình của quân và dân Trị Thiên Huế trong quá trình chuẩn bị, chiến đấu và kết thúc chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Trị Thiên Huế.
Địa đạo Khe Trái hay còn gọi là khu Ủy Trị Thiên Huế nằm ở đồi 160. Ngoài trọng trách là cơ quan tối cao chỉ huy cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Trị Thiên Huế, là chiếc cầu nối giữa ý đồ chiến lược của Trung Ương và thực tế chiến trường. Nơi đây đã sử dụng địa đạo như một đại bản doanh nhất là thời kì chuẩn bị và sau chiến dịch Mậu Thân 1968 với nhiều cuộc họp quan trọng đã diễn ra ở khu Ủy Trị Thiên Huế này. Hệ thống địa đạo gồm có 3 cửa nằm ở triền dốc của đồi 160. Từ ba cửa số 1, 2, 3 đi sâu vào bên trong là lòng địa đạo. Đặc biệt, ở trong lòng địa đạo còn có các hầm ngủ, phòng hội họp… Ở các vách trong lòng địa đạo còn có các cây củi khô, được người dân dùng làm trụ để mắc võng cho các chiến sĩ nghỉ nghơi ở đây.
Ngoài những giá trị khoa học, lịch sử di tích này còn có giá trị về tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đã từng sống và chiến đấu ở mảnh đất này. Những giá trị về khoa học và lịch sử của địa đạo là bài học quý giá trong công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay, giúp họ hiểu được những giá trị đích thực về cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, nhưng cũng hết sức vẻ vang của lớp lớp thế hệ ông cha ta không tiết xương máu đã ngã xuống để giành được độc lập tự do hôm nay. Vì vậy, du khách đến tham quan địa đạo Khe Trái , hãy bảo tồn và phát huy tác dụng những di tích lịch sử này trong những năm tháng tiếp theo.
4. Làng hầm địa đạo Vĩnh Linh – Quảng Trị
Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh được xây dựng từ năm 1966 – 1968 do người dân Vĩnh Linh tạo dựng lên, sau khi kẻ thù leo thang đánh phá miền Bắc với sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1965. Địa đạo có tổng chiều dài hơn 40km. Ngoài ra còn có một hệ thống giao thông hào dài hơn 2.000km nối thông các làng hầm, địa đạo với nhau; cùng hệ thống hầm hào, tiểu đạo lên đến hàng chục chiếc. Mỗi làng hầm – địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của làng quê được kiến tạo trong lòng đất với nhiều công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chiến đấu. Cấu trúc của mỗi làng hầm bao gồm: một trục đường hầm chính chạy dài trong khu vực gần kề với những vị trí phòng thủ và sinh hoạt, sản xuất, hoặc xuyên qua các quả đồi nhằm đảm bảo cho sự vững chắc và thuận lợi nhất. Từ trục chính có các nhánh tỏa ra các nơi để nối với hệ thống căn hộ, kho, bếp, giếng nước, cửa ra vào, giếng thông hơi… Địa đạo này gồm 3 tầng, dài 1.701 m với 13 cửa. Quân và dân ở đây đã mất 18.000 ngày công, đào và vận chuyển hơn 6.000 m3 đất đá. Tầng 1 có độ sâu từ 10 – 12m, tầng 2 có độ sâu từ 13 – 15m, tầng 3 có độ sâu từ 16 – 23m. Tuy nhiên, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân, hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh phần lớn đã bị biến mất hoặc xuống cấp.
5. Địa đạo Nhơn Trạch
Nằm trong địa phận Đồng Nai, địa đạo Nhơn Trạch là một trong những di tích, danh thắng nổi tiếng được nhiều người biết đến. Lực lượng đào địa đạo khoảng 20 người thay phiên nhau, đào bằng dụng cụ thô sơ như: cuốc, xẻng. Công trình đã khởi công vào đúng ngày 19 – 5 – 1963 nhân ngày kỉ niệm 73 năm sinh nhật Bác Hồ. Đến cuối năm 1964 đã đào được 1,5km đường địa đạo khép kín, liên hoàn trong lòng đất, nối từ căn cứ huyện Ủy về các xã Phú Hội, Phước An, Huyện đội…Địa đạo có kết cấu hình vòm nằm sâu dưới mặt đất từ 5 đến 7m, cao từ 1,8m đến 2m, rộng từ 1m đến 1,2m. Bên trong địa đạo có nhiều lỗ thông hơi, ngách rẽ sang hai bên, hầm bí mật, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… Địa đạo có thể chịu đựng sức công phá của bom 250kg, chứa được từ 300 đến 500 người. Hiện nay, khu du lịch địa đạo Nhơn Trạch thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.