Một mùa Trung thu mới vừa qua, đâu đó vẫn còn trong ký ức người Hà Nội hình ảnh Trung thu cổ truyền với những mâm “cỗ trông trăng”, đèn ông sao lung linh sắc màu. Trong cuộc sống ồn ã ngày nay, không có nhiều cơ hội để người Hà Nội nhớ về Thu xưa, và “Thu vọng Nguyệt” được tổ chức đã mang lại những ký ức đáng nhớ.
Không ai rõ Tết Trung thu có từ khi nào, chỉ biết rằng đó là một ngày vui của trẻ em. Mùa Trung thu tới, trẻ em khắp nơi đều háo hức, mong ngóng tới ngày rằm. Chúng náo nức tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép, cùng bạn bè tung tăng rước đèn trong tiếng trống nhịp nhàng của đoàn múa lân cùng những món quà tặng của ông bà, bố mẹ và người thân. Đó là không khí của Tết Trung thu xưa mà ngày nay hiếm nơi nào còn lưu giữ. Và năm nay, trẻ em đã có thêm một sân chơi, để tận hưởng Trung thu, để ngắm trăng tròn vành vạnh ở Thu Vọng Nguyệt.
Tết Trung thu là tết của trẻ em, là ngày mà người lớn dành rất nhiều tình cảm, sự yêu mến dành tặng cho thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế mà tới dịp này, qua bàn tay nhào nặn của những người thợ thủ công, những chiếc mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đầu lân, đầu sư tử được tái hiện vô cùng sinh động. Các bà các mẹ cũng cố gắng chuẩn bị tươm tất nhất cho mâm cỗ ngày rằm thêm đậm đà.
Đến với Thu vọng Nguyệt – sự kiện văn hóa đậm nét được tổ chức đúng dịp Trung Thu ở Hà Nội, bạn sẽ được nhìn thấy hình ảnh mâm cỗ Trung thu thời xưa. Đó một mâm cỗ thơm nức hương bánh nướng, bánh dẻo, hương của những trái cây: hồng, na, thị, bưởi hay là hương hoa lan, nhài dịu nhẹ. Trên những mâm cỗ đó, còn có những đồ chơi cổ xưa như con giống bột, đèn lồng cũ trước năm 1975, ông tiến sỹ làm bằng giấy hay tháp bút 9 tầng với mong ước con cái đỗ đạt, thành công.
Trong tiếng trống múa lân rộn ràng vui tươi, lũ trẻ cùng nhau quây quần bên mâm “cỗ trông trăng” đẹp mắt, ngước lên ngắm nhìn những vầng trăng sáng vằng vặc như gương, lắng nghe những câu chuyện cổ tích về chị Hằng về chú Cuội và thưởng thức những tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc. Tết Trung thu giờ đây không còn là những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, mà đã trở thành dịp để cả nhà cùng nhau đoàn tụ ngắm trăng.
Ngày diễn ra sự kiện, không gian của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được trang hoàng đậm văn hóa truyền thống. Đó là một dòng sông của ánh sáng muôn màu, với những chiếc lồng hình cá chép, hạt gạo giăng kín muôn lối. Hơn nữa còn đầy ắp màu sắc của văn hóa dân gian với những gian hàng nghệ nhân làm tò he, đèn lồng, con giống bột, cắt tỉa rau củ, làm tàu sắt tây… và khu trò chơi hấp dẫn như u na nu nống, ô ăn quan, kéo co, rồng rắn lên mây, nhảy bao bố, gánh thóc, bịt mắt đánh trống…
Ngày Tết Trung thu giờ đây không còn gói gọn trong những ý nghĩa đơn thuần. Đây đã trở thành dịp để cộng đồng thể hiện sự quan tâm, chia sẻ tình cảm với trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những vùng nông thôn nghèo hay vùng sâu vùng xa. Thật bất ngờ khi sự kiện “Thu vọng Nguyệt” cũng có những nghĩa cử cao đẹp như thế – quyên toàn bộ số tiền bán vé trong 3 đêm vào quỹ từ thiện Tình yêu của mẹ. Để rồi những giá trị đẹp của Thu vọng Nguyệt cứ thế mãi lan tỏa.