Rêu Đá – Một Món Ăn, Một Bài Thuốc Của Dân Tộc Thái Ở Điện Biên

Đến Điện Biên, có một món ăn mà ai cũng muốn một lần thưởng thức, đó là rêu đá của dân tộc Thái. Món rêu đá đặc biệt này không chỉ có hương vị hấp dẫn mà còn là một bài thuốc quý giúp lưu thông khí huyết, giải độc và chống cao huyết áp.

Rêu đá có màu xanh lục, mọc bám vào những tảng đá chìm trong khe suối theo mùa từ tháng 9, 10 âm lịch đến hết tháng 5. Dù không được chăm cấy nhưng năm nào cũng vậy, rêu tự mọc lên từ tất cả các hòn đá trong suối như một quy luật tự nhiên.

Rêu đá, đặc sản của người Điện Biên

Rêu đá, đặc sản của người Điện Biên

Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.

Những ngày nắng ấm, các cô gái Thái thường tổ chức thành từng tốp đi lấy rêu về chế biến thành món ăn truyền thống của dân tộc. Để lấy rêu đá họ phải gỡ rêu vừa đập vừa rũ rêu trong làn nước chảy cho trôi hết cát. Sau đó, nắm thành từng nắm đem về để tươi hoặc phơi khô ăn dần.
Rêu được chia thành 3 nhóm: “Cui”, loại rêu mọc trên đá thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm, rêu non làm món nộm, có nơi làm nộm sống; “cay”, sợi rêu mọc rời rạc có màu xanh thường có ở suối Nậm He, xã Núa Ngam (Điện Biên); “tau”, loại rêu này thường thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta dùng thanh tre gạt rêu vào rổ.

Mùa rêu mọc, đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú ở những nơi gần sông, suối thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hay chế biến thành món ăn trong tiệc cưới, lên nhà mới, lễ hội…

Món rêu đá có thể chế biến ra nhiều món rêu hấp, canh rêu, nộm rêu, rêu nướng nhưng ngon nhất vẫn là rêu non, được bỏ vào lá chuối, lá dong kẹp tre nướng trên than hồng, khi chín rêu có vị thơm phức, người Thái có thể dùng rêu nướng không hoặc nướng cùng với cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt.

Rêu nướng được gói vào lá chuối hay lá dong

Rêu nướng được gói vào lá chuối hay lá dong

Ngoài rêu nướng thì canh rêu cũng rất được ưa chuộng. Trước khi chế biến rêu được đặt trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rồi rửa sạch để không còn cát sạn. Sau đó rêu được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm đến khi chín tới sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn.

Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Bên bếp lửa bập bùng, cả nhà quây quần vừa nấu cơm vừa vùi rêu vào than hồng, lớp lá gói bốc lên một hương thơm ngào ngạt. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới bóc từng lớp lá ra. Mùi thơm của gia vị và mùi nồng nồng của Rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng, từa tựa như tảo biển, mềm, ngậy mà không ngấy.

Đối với người Thái, rêu là món ăn chỉ dành cho khách quý cùng với măng chua, thịt trâu gác bếp và gà bản. Vì số lượng có hạn nên rêu đá thường chỉ đủ dùng trong nhà mà không rao bán. Món rêu đá đặc biệt này không chỉ có hương vị hấp dẫn mà còn là một bài thuốc quý giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt và chống cao huyết áp.

Nguồn: Sưu tầm

Leave a Reply