Gần 20 năm kể từ ngày khởi công xây dựng thành phố xanh và thông minh Putrajaya trị giá hơn 8 tỉ USD, Malaysia đã bắt đầu gặt hái những thành quả từ “siêu công trình” này.
Putrajaya, theo tiếng Malay, chiết tự là putra (hoàng tử) và jaya (thành công) – từng là một vùng đất hoang vu và nóng bức nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 25km về phía nam. Chính phủ Malaysia bắt đầu xây dựng Putrajaya từ năm 1995 với mục tiêu quy hoạch thành phố này thành trung tâm hành chính mới, góp phần giải tỏa căng thẳng cho thủ đô Kuala Lumpur ngày càng trở nên chật chội và đông đúc.
Điểm thu hút du lịch
Hồ Putrajaya – được mệnh danh là trái tim của thành phố – từng là hai thung lũng Sungai Chuau và Sungai Bisa được dẫn nước vào, nay được chọn làm điểm nhấn để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Những hoạt động trên nước được phép tổ chức trên hồ là đua thuyền kayak, chèo thuyền, bơi lội, bơi xuồng, lướt ván… Trong khi đó, bờ hồ là nơi lý tưởng để đi dạo, ngắm chim, chạy bộ, chạy xe đạp và thư giãn. Ngoài ra, hồ Putrajaya còn là nơi tổ chức dã ngoại và các sự kiện văn hóa lớn, trong đó có lễ hội khinh khí cầu quốc tế.
Kết nối thông minh
Ngoài kết cấu là thành phố xanh với hệ thống các yếu tố tự nhiên và môi trường phục vụ sự phát triển bền vững, Putrajaya còn được quy hoạch trở thành một thành phố tích hợp công nghệ cao vào việc phát triển và quản lý thành phố, thuộc loại đầu tiên ở Malaysia.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Mohamed Razip Haji, quan chức Bộ Du lịch Malaysia, cho biết tính đến năm 2012, công cuộc di chuyển trung tâm hành chính từ Kuala Lumpur về Putrajaya đã cơ bản thành công khi chỉ còn ba bộ chưa dời về là Bộ Kinh doanh và thương mại quốc tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động.
Putrajaya được quy hoạch, phát triển như một thành phố thông minh. Nó nằm trong siêu hành lang truyền thông đa phương tiện (multimedia super corridor) do Chính phủ Malaysia xây dựng, kéo dài từ trung tâm Kuala Lumpur đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Sepang.
Các công nghệ đa truyền thông được triển khai từ hành lang này đã giúp việc thông tin và tương tác giữa các cơ quan chính phủ, giữa chính quyền với cộng đồng kinh tế và cư dân địa phương thuận tiện hơn. Chính quyền thành phố còn có mong muốn xây dựng một đội ngũ những người trẻ am hiểu về công nghệ với mục tiêu thu hút các công ty quốc tế và đa quốc gia đến đây đầu tư trong tương lai.
Theo ông Razip Haji, hệ thống kết nối thông minh ở Putrajaya giúp việc vận hành của các cơ quan công quyền trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Cư dân thành phố thậm chí không cần mang tiền theo người và trẻ em không cần mang sách vở đi học vì mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn trên hệ thống máy tính của thành phố.
Mỗi công dân ở Putrajaya được phát thẻ đa dụng (multi-purpose card) có gắn chip điện tử. Thẻ này được dùng như thẻ căn cước, giấy phép lái xe, thẻ ATM, lưu trữ thông tin sức khỏe, và còn được dùng như giấy phép lữ hành đi lại ở Malaysia và một số quốc gia trong khu vực.
Quan trọng là dân hài lòng
Thành phố nhỏ có diện tích khoảng 49km2 này đặt ưu tiên là đô thị xanh với gần 40% diện tích được thiết kế mở, bao gồm hồ nhân tạo rộng 400ha và 200ha đầm lầy để giữ môi trường trong lành. Mảng xanh dễ chịu từ những khu vườn do con người tạo ra cộng với dân số chưa tới 100.000 người biến Putrajaya trở thành một thành phố đáng sống.
Nhiều năm qua, cô Nur Azira Abdul Samad, nhân viên Bộ Du lịch và văn hóa Malaysia, hằng ngày di chuyển khoảng 40km từ nhà ở Shah Alam, bang Selangor, đến nơi làm việc ở Putrajaya. Dù quãng đường di chuyển khá xa nhưng Nur Azira khẳng định rất hài lòng với môi trường làm việc ở đây.
Theo cô, khi có việc gấp cần liên hệ với các ban ngành khác, cô chỉ cần đi bộ vài phút vì các văn phòng chính phủ nằm sát nhau. “Điều kiện làm việc ở đây rất tốt. Không khí trong lành vì ít kẹt xe và ô nhiễm. Bất lợi duy nhất là thành phố cách xa thủ đô Kuala Lumpur và mới chỉ có một trung tâm mua sắm” – cô Nur Azira tươi cười giải thích với Tuổi Trẻ.
Ông Razip Haji cho rằng hiện giờ Putrajaya vẫn chưa thu hút được hết dân số mà thành phố đề ra (dự kiến khoảng 330.000 người) dù có cơ sở hạ tầng phát triển. Tuy vậy, ông hi vọng trong tương lai gần thành phố này sẽ trở thành một trong những đô thị nhộn nhịp nhất Malaysia và khu vực.
Chính quyền địa phương thậm chí đã triển khai chương trình thu nước mưa và tái chế nguồn nước đã sử dụng để phục vụ việc tưới tiêu các cảnh quan xanh trong thành phố. Để tiết kiệm 10% mức sử dụng năng lượng ở các trụ sở hành chính, chính quyền cho lắp đặt hệ thống giám sát tiêu thụ năng lượng tự động, hệ thống quản lý năng lượng và phát động các chương trình nâng cao nhận thức về tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà này.
Ông Mohamad Ali, 43 tuổi, hiện điều hành một công ty riêng ở Kuala Lumpur, cùng vợ con chuyển đến Putrajaya sinh sống từ năm 2004. Ông khẳng định chắc nịch rằng thích nhất ở đây là môi trường sống rất trong lành và an toàn. Nhưng có chút trở ngại nhỏ với ông là thành phố này không có “âm nhạc” vì ở đây không có quán bar hay các hộp đêm. “Nếu bạn muốn có âm nhạc, hãy đến Kuala Lumpur” – Ali chia sẻ.
Nguồn: Sưu tầm