Nằm trên một quả đồi phía Nam thủ đô hành chính Pretoria của Nam Phi, Đài tưởng niệm Voortrekker là công trình để kỷ niệm sự kiện người Voortrekkers (Boer) đã rời thuộc địa Cape giữa năm 1835 và 1854, tìm vùng đất mới dưới sự thống trị của thực dân Anh.
Người Voortrekkers đã có công rất lớn trong việc mở rộng Nam Phi như ngày hôm nay. Đài tưởng niệm Voortrekker trở thành một di tích gây nhiều tranh cãi nhất của Nam Phi. Được xây dựng từ năm 1937 đến năm 1949, công trình kiến trúc này có chiều cao, dài và rộng đều bằng 40m, được thiết kế bởi Gerard Moerdijk, một kiến trúc sư say mê sự huyền bí của kim tự tháp Ai Cập.
Đài tưởng niệm được bao quanh bởi một bức tường đá chạm khắc với 64 toa xe trong một trận tuyến phòng ngự truyền thống là vòng tròn. Công trình như một khối đá khổng lồ, mỗi góc mang bộ mặt của một người anh hùng Afrikan tuyệt vời. Bên trong là một không gian rộng lớn với trần nhà hình vòm cao và phù điêu bằng đá cẩm thạch kể lại chuyến đi của những người Hà Lan đã khai phá vùng đất này.
Công trình này có một lỗ thủng trên nóc, được tính toán để đúng 12h trưa ngày 16/12 hàng năm, ánh nắng sẽ rọi thẳng từ đỉnh xuống đáy tháp. Và nơi ánh nắng chiếu tới, là phiến đá hoa cương lớn với dòng chữ khắc chìm “Ons vir Jou, Suid-Afrika” (Chúng tôi dâng hiến vì Người – Nam Phi). “Voortrekker” nghĩa là “những người khai phá” trong tiếng Afrikaans (tiếng Nam Phi, xây dựng trên nền tảng tiếng Hà Lan). Và 16/12 chính là ngày mà những người Hà Lan tuyên thệ quyết tử với những người Zulus (thổ dân Nam Phi) để bước vào cuộc chiến đẫm máu giành đường sống với hơn 500 “voortrekker” dồn lên 64 chiếc xe ngựa đúc bằng kim loại, tấn công trực diện bằng súng…
Bên trong đài tưởng niệm, bốn bề bức tường tầng trệt toà tháp là những phù điêu bằng đá, tạc lại câu chuyện về những người khai phá, cuộc chiến với người Anh, những thoả ước và lật lọng của các thủ lĩnh bộ tộc Zulus đối với Retief, một trong các thủ lĩnh của người da trắng, cuộc chiến 64 xe kéo, và về việc người Zulus sau đó đã phải thần phục như thế nào. Khi lên nắm quyền, Đảng Đại hội dân tộc Phi ANC đã từng rất muốn đập bỏ di tích này bởi với người da trắng đài tưởng niệm là minh chứng của chiến thắng lịch sử, còn với người da đen, đó là vật chứng cho sự thất bại.
Đài tưởng niệm đã được giữ cho đến ngày nay là nhờ sự can thiệp của Tổng thống Nelson Mandela. Do chỉ cách trung tâm của Pretoria 15 phút chạy xe nên hiện tại, đài tưởng niệm đã trở thành một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch trong hành trình khám phá lịch sử, đất nước và con người Nam Phi. Đến nay, đài tưởng niệm được coi là biểu tượng mạnh mẽ của “white tribe of Afica” (Bộ lạc trắng của châu Phi) cũng như sự mở rộng lãnh thổ Nam Phi của những “voortrekker” Hà Lan. Cùng với đó, bằng một thang máy và cầu thang dẫn đến mái của đài tưởng niệm, du khách sẽ có một cái nhìn toàn cảnh tuyệt vời của Pretoria.
Nguồn: Internet