Nhiều người cho rằng những món ăn bốc mùi hôi thối này là thực phẩm ôi thiu, không thể ăn được nhưng thực chất chúng lại là một số món đặc trưng của mỗi vùng miền đất nước.
Thịt thối của đồng bào dân tộc Thái mạn Mường La
Nghe thôi, nhiều người cứ nghĩ chắc đây chỉ “chiêu” quảng bá văn hóa ẩm thực của người Mường La. Nhưng nếu đã mục sở thị thì thịt thối đúng là thối thật!
Người dân ở đây bảo; nó giống sầu riêng, ngửi thối chứ ăn thì tuyệt ngon. Và đúng là như vậy.
Món ăn này được chế biến bằng cách: lợn hoặc bò sau khi được xẻ thịt sẽ chọn những phần ngon nhất đem phơi nắng. Qua một vài nắng, miếng thịt tự nhiên khô lại, thịt tiếp tục được tẩm với nước của một loại rau thơm cho ngấm vào bên trong sau đó đem bỏ vào chum và rắc lên đó một ít muối.
Thịt được ủ kín, vì không được ướp với nhiều muối nên thịt sẽ phân huỷ, phần thịt ngon bị chín bởi ánh nắng sẽ không tan mà đóng cục. Khi ủ thịt được khoảng 10 ngày, người ta mở ra và cho vào đó một ít thảo dược. Nếu có khách quý, món thịt thối sẽ được lấy ra nấu chín cùng rêu suối, cơm nguội và ăn kèm với lá sung.
Nước mắm
Có thể nói Việt Nam từ thời xa xưa đã là xứ sở của các loại mắm. Từ mắm nêm, mắm phệt, mắm ruốc, mắm tôm đến các loại mắm lóc, mắm sặt, khô mắm, khô mặn v.v… cho đến loại mắm đặc biệt là mắm nước thường được gọi là nước mắm. Nước mắm có thể làm từ cá sống, cá khô; hoặc từ cả các loại sò hến, tôm cua hoặc trái cây như quả điều khi làm nước mắm chay. Một số loại nước mắm được làm từ cá nguyên con, một số khác thì chỉ được từ tiết hay nội tạng cá. Một số loại nước mắm chỉ có cá và muối, một số khác có thể có thêm dược thảo và gia vị. Nước mắm lên men ngắn ngày có mùi tanh đặc trưng của cá. Quá trình lên men dài ngày sẽ giảm được mùi tanh và tạo ra hương vị mùi quả hạch và béo hơn.
Sầu riêng
Có rất nhiều người không ăn được, chỉ cần đưa đến miệng là muốn ói luôn, cả khách ta lẫn khách tây. Họ nói nó bị bốc mùi, cũng có người tập ăn dần thì được.
Đối với những người “ghiền” sầu riêng, phần cùi của nó có vị béo giống như bơ và thơm ngọt. Họ cho biết, vị ngon ngọt đặc trưng đó không có loại trái cây nào có thể sánh bằng và cũng chính vì thế, sầu riêng đã được xếp vào danh sách “vua của các loại trái cây”.
Loại trái cây vua này còn chứa nhiều chất thiamin – một loại vitamin B, có tác dụng giúp ăn ngon miệng và sản xuất axít hydrochloric trong dạ dày, tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Sầu riêng còn chứa vitamin B6. Tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến chứng phiền muộn. Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng, những bệnh nhân bị phiền muộn thường có mức vitamin B6 thấp. Vitamin B6 đóng vai trò như là một loại dưỡng chất thiết yếu trong việc sản xuất serotonin – một loại hóa chất truyền dẫn thần kinh, tác động đến tâm trạng con người.
Nậm Pịa
Nguyên liệu chính là tiết đông, đuôi, dạ dày, cuống tim, ruột non của bò hoặc dê được nấu sền sệt.
Nậm pịa là một món ăn đặc trưng của người dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Trong món ăn này “pịa” là phân non nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già của trâu, bò, dê, được lấy ra rồi nêm gia vị, cho thêm nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù đem ninh nhừ. Nó thường có màu sắc rất đặc trưng của… phân.
Món nậm pịa được bưng ra, màu bên ngoài đặc một sắc nâu sền sệt không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi. Ăn thử miếng đầu tiên thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba thấy thơm mùi mắc khén (một loại hồ tiêu trên núi), vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Hay nhất là bạn có yếu bụng đến đâu cũng không hề gì khi thử món ăn. Nậm pịa ăn kèm với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và chút rượu nồng là nhất vị.
Nguồn: Tổng hợp