Người ta đến chợ để “săn” cho mình những chú chim cảnh ưng ý, người ta đến chợ là để trao đổi kinh nghiệm chơi chim hay đơn giản chỉ cần thưởng thức tiếng hót trong lành của nó… Sau khi phải nhường chỗ cho đường vượt Văn Cao, người chơi chim Hà Thành cứ ngỡ sẽ không còn chợ chim đường Bưởi. Thế nhưng, như đã thành một nếp quen khó rời khi mặt bằng bị giải phóng, chợ chim lại hình thành như một lẽ tự nhiên ngau chân cầu vượt nối đường Văn Cao – Hồ Tây tạo nên một khung cảnh dân dã, giàu màu sắc.
Phiên chợ cầu vượt giữa đường Hoàng Hoa Thám, họp tất cả các ngày, nhưng chỉ đông vui nhộn nhịp vào các ngày Chủ Nhật, thứ Bảy hoặc phiên chợ Bưởi cách đó không xa. Dù họp chợ ở địa thế không tốt, nhưng phiên chợ vẫn thu hút đông người chơi chim đến để trao đổi kinh nghiệm và “tậu” những chú chim mới. Theo những người bán hàng ở đây, lồng chim được người dân các làng nghề thủ công làm lồng chim chủ yếu là ở làng Vác, Canh Hoạch, Hà Nội mang tới bán, hoặc đổ buôn ở đây. Còn chim được nhập chủ yếu ở các tỉnh phía bắc, gồm mi, khuyên, chào mào, vẹt, yểng, sáo. Dù ai cũng biết trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con chim mộc bẫy từ ngoài kia có khi chỉ lựa được vài con, nhưng người chơi vẫn tự làm khổ mình trong cuộc “đãi cát tìm vàng”, với người chơi chim tìm ra con chim có tố chất hơn là bỏ tiền mua một “đệ nhất” đã được tôi luyện.
Chim ở chợ chủ yếu bày bán các loại “chim mộc” – đó là những con chim chưa được thuần dưỡng. Vì vậy để nuôi chim, huấn luyện cho chim biết hót, biết chiến đấu lại là một kỹ thuật đòi hỏi sự công phu của người chơi. Để có được chú khuyên hội tụ nhiều điểm quý, đầu tiên phải loại bỏ những con mắc các dị tật như lộn cầu, ngoái, ngoái ngửa. Những tật xấu này sẽ làm cho người chơi rối mắt, khó chịu Cách chơi chim của mỗi người cũng khác nhau. Có người chơi chim lấy tiếng hót hay, người lại chơi chim chiến (chim chọi), người thích dáng chim và màu lông đẹp… Mỗi một kiểu chơi lại có những tiêu chí và phương pháp khác nhau để chọn chim.
Nghề nuôi chimđòi hỏi sự công phu chính từ yếu tố này, các cao thủ đi trước thường khuyên răn lớp trẻ có khi 365 ngày chăm sóc chim đúng theo một quy chuẩn và chỉ lơ là một ngày coi như chú chim đó mất giá trị, trở về con số không như mới được mang từ thiên nhiên về. Giá cả bán ở đây tương đối phải chăng nên mỗi phiên chợ thường thu hút hàng trăm người từ khắp nơi đến mua bán. Cảnh mua bán tấp nập, rộn ràng cho dù khu đất đó sẽ giải tỏa trong nay mai. Chợ chim Hoàng Hoa Thám giờ đây không chỉ thu hút kẻ mua người bán mà còn là nơi để người chơi chim đến để trao đổi kinh nghiệm và đánh giá về những chú chim chiến chuẩn bị cho những mùa giải sắp tới. Thú chơi chim cảnh từ lâu đã là thú chơi tao nhã của người dân Hà Thành, nó không chỉ dành cho những cụ già mà cho tới nay đã thu hút những người trẻ tuổi đam mê. Có lẽ vì thế, ở chợ chim Hoàng Hoa Thám người đến chợ không đơn giản là chỉ để mua chim mà còn tham quan, tìm hiểu về chim cảnh, hay chỉ là muốn thưởng ngoạn những tiếng hót véo von, réo rắt của những loài chim đủ muôn màu sắc, tạo nên không khí náo nhiệt của một kiểu chợ độc đáo của đất Thăng Long ngàn năm. Nguồn: Sưu tầm