Cheonggyecheon, tên Hán Việt là Thanh Khê Xuyên, còn gọi là Cheong Gye Cheon hoặc suối Cheonggye, là một dòng suối dài 5,8km chảy qua khu trung tâm Thành phố Seoul, đổ vào sông Jungnangcheon, cuối cùng hợp lưu với sông Hán.
Đây là dòng suối đã bị chôn lấp dưới lớp bê tông màu xám trong suốt gần 50 năm. Tháng 10 năm 2005 dòng suối đã được khai thông, khôi phục lại. Đến nay, nó đã trở thành điểm du lịch lý tưởng ở Hàn Quốc. Dòng suối này có 10 điểm tham quan hấp dẫn.
Cheonggye Plaza đối diện với Trung tâm Thông tin Dong-A ở Sejongno, Jongno-gu, Seoul. Trước đây nó chỉ có diện tích là 2310m2 nhưng sau này nó đã được mở rộng lên tới 6949,8m2 nằm trên khoảng đất giữa núi Bukak và núi Inwang, phía Tây Bắc Seoul là nơi khởi nguồn của dòng suối Cheonggye.
Ở đây, mỗi ngày có khoảng 65.000 tấn nước đổ ra. Cheonggye Plaza hãnh diện với vẻ đẹp truyền thống nhờ nền đá hoa nhiều màu sắc và kiến trúc cổ điển. Nơi đây còn trưng bày bức phác hoạ thu nhỏ dòng suối Cheonggye dài 60m, vào ban đêm nó đẹp như tranh nhờ sự phản chiếu của những sợi quang học. Bên cạnh Cheonggye Plaza là một dòng thác nhân tạo và đá được lấy từ các vùng lân cận. Cheonggye Plaza được coi là nơi gặp gỡ của lửa và nước. Bởi vì vào ban đêm, những thác nước đổ xuống cộng hưởng với hệ thống đèn laser tạo cho nơi đây trông giống như một bức tranh hết sức lung linh, huyền ảo. Một điểm hấp dẫn khác nữa là nơi đây có vòi nước phun được lập trình thành nhiều tia bắn lên không trung ở nhiều độ cao khác nhau làm cho dòng nước càng thêm lung linh, huyền ảo.
Gwangtong là chiếc cầu rộng lớn nhất (rộng lõm, dài 13m) được bắc qua thượng nguồn suối Cheonggye trong triều đại Josen. Đóng vai trò là chiếc cầu chính của Thủ đô Seoul nên đây từng là nơi được nhiều phái đoàn của vua và nước ngoài ‘đi ngang qua.
Cầu còn là nơi tổ chức các trò chơi dân gian hay trình diễn những nghi thức truyền thống. Vào năm 1958, khi có một con đường được xây qua suối, cầu Gwangtong đã bị chôn vùi dưới đất. Sau đó, cầu đã được khôi phụctheo nguyên bản và cách vị trí gốc về thượng nguồn suối Cheonggye khoảng 150m. Hiện tại, cầu Gwangtong nằm ở giao lộ Gwanggyo, đối diện trụ sở Ngân hàng Chohung ở Namdaemunro 1-ga, Junggu, Seoul.
Được làm bằng 4960 mảnh gốm trải dài trên 200m từ bên trái cầu Gwang đến cầu Samil, đây là bức tranh ốp lát gổm nhiều màu sắc lớn nhất thế giới. Bức tranh mô tả cuộc diễu hành của vua Jeongjo (vị vua thứ 22 của triều đại Joseon) hộ tống Thái hậu Hyegyeonggung Hong đến Hwaseong (hiện nay là Suwon, tỉnh Gyeonggi) để kỷ niệm 60 năm ngày sinh Thái thượng hoàng Sado năm 1795. Bức tranh gốc dài 25m, do các họa sĩ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ phối hợp thực hiện. Bức tranh hiện nay đang được lưu giữ tại phòng triển lãm Kyujanggak ở Trường đại học quốc gia Seoul. Phiên bản tranh tường ốp lát gốm này được vẽ cao 2,4m và dài trên 200m, miêu tả cuộc diễu hành gồm 1779 người và 779 ngựa, giúp du khách biết về phong tục cũng như trang phục của triều đại Joseon.
Nằm bên trái cầu Ogansu gần cổng Đông, “Bức tường văn hoá” là chuỗi tuyệt tác nghệ thuật với 5 chủ đề: “Thiên nhiên + nhân loại + môi trường”, “Tầm nhìn”, “Ngôi sao”, “Thánh nhạc” và “Tạo vật – ánh sáng”. Mỗi tác phẩm rộng 10m và cao 2,5m.
Ogansumun (còn gọi là cống thuỷ lợi Ogansu) trước đây được sử dụng để thoát nước từ nội thành ra ngoại thành. Công trình gốc năm tại đường Gheonggyecheon 6-ga giữa Cổng Đông và đường Uljiro 6-ga. Năm 1908, cây cầu đã bị phát xít Nhật phá huỷ để xây một cây cầu bê tông đặt tên là Ogansu. Chính quyền thành phố Seoul cho tái hiện Ogansumun bằng cách xây lại cầu Ogansu thành cầu vòng cung biểu tượng cho 5 cống thuỷ lợi cũ. Mỗi vòng cung có một hệ thống đèn chiếu khác nhau. Gần cầu Ogansu còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác như ở phía Bắc có trạm xe điện ngầm Dongdaemun, sân vận động Dongdaemun ở phía Nam và khu thị tứ.
Nằm bên trên cầu Ogansu gần chợ Pyonghwa, vòi nước Gosa được coi là màn trình diễn rực rỡ của những tia nước. Với chiều cao 10m và rộng 22m, về đêm, vòi nước Gosa bắn ra 65 tia với nhiều kích cỡ khác nhau cộng hưởng với hệ thống đèn màu tạo nên một bức tranh rực rỡ và huyền bí.
Suối Cheonggye trước đây được triều đại Joseon sử dụng làm dự án diều khiển nước nhằm giảm bớt lụt lội của vùng này và trở thành nơi giặt giũ và hồ bơi của người dân Chính quyền Seoul đã cho khôi phục Bballaeteo ở một khu vực giữa cầu Dasan và Yongdo. Những viên đá làm ván giặt ngập phân nửa trong nước và những phiến đá ở suối gợi cho du khách nhớ lại bối cảnh ngày xưa những người phụ nữ đến đây vừa giặt đồ vừa chuyện trò với nhau.
“Bức tường cầu nguyện” nằm hai bên bờ suối Cheonggye ở đoạn hạ nguồn giữa cầu Hwanghak và cầu Biudang là tác phẩm nghệ thuật do 20.000 người sáng tạo. Với chiều dài mỗi bên 50m và cao 2,2m, đây là nơi cho người dân khắc lên những nguyện vọng của mình, và đã có trên 20.000 điều ước được khắc. Đây được xem là tác phẩm nghệ thuật độc đáo do công chúng đóng góp tạo cho công trình khôi phục suối Cheonggye càng thêm duyên dáng.
Haneulmulteo – di tích đường Cheonggye cổ
Đường Cheonggỵe cổ đã bị chính quyền Seoul bỏ vào tháng 8 năm 2003 nhưng họ vẫn quyết định giữ lại một số trụ cột để thế hệ mai sau biết ý nghĩa lịch sử của việc khôi phục suối. Đây được coi là biểu tượng lịch sử của suối Cheonggye nguyên bản. Nơi đây có một bức tường nước chảy theo âm thanh tiếng nhạc, nằm ở đoạn giữa cầu Hwanghak và cầu Biudang. Du khách sẽ có cảm giác như mình đang chui vào một ống nước khi băng qua những phiên đá trước bức tường nước này.
Du khách càng tiến đến gần hạ nguồn suối Cheonggye thì càng cảm thấy mình như trở về với thiên nhiên bởi ở đó có vùng đầm lầy Beodeul – nơi được coi là hệ sinh thái tự nhiên ở hạ nguồn suối Cheonggye. Beodeul gần cầu Gosanja, nơi hội tụ nhiều loại động thực vật độc đáo như vịt trời, diệc trăng… cùng nhiều loài cây sống dưới nước.
Suối Cheonggye được khôi phục đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn mới ở Seoul. Nó đang nổi lên như là một trung tâm văn hoá mới, nơi có sự kết hợp hài hoà giữa lịch sử và thiên nhiên. Mười điểm du lịch hấp dẫn trên là những điểm du lịch mà du khách không nên bỏ qua khi đến du lịch Hàn Quốc.