Bulguksa là một trong những ngôi đền thờ Phật lớn nhất Hàn Quốc, cách trung tâm Kyongju – cố đô cổ của vương quốc Shilla 16km về phía Đông Nam. Được xây dựng trên những bậc đá, đền Bulguksa trông như mọc lên từ một vùng núi đá có những quả đồi um tùm cây cối ở phía dưới chân núi Tohamsan.
Ngôi đền được xây dựng như vậy là vì những quan niệm cổ xưa về kiến trúc và địa lý cho rằng các công trình của con người không được làm thay đổi tự nhiên mà phải hài hoà với cảnh quan xung quanh. Kiểu kiến trúc đó dùng các tảng đá nguyên khối, phức tạp và đá phải được sắp xếp sao cho chúng có thể thay đổi hình thù khi ánh sáng, bóng râm và thời tiết thay đổi.
Đền Bulguksa được xây dựng trong khoảng 23 năm của vương triều Silla (57TCN tới 935). Ngôi đền có hàng nghìn bậc đá, nổi bật trên địa hình rậm rạp của đồi núi Tohamsan. Trong đền có hai tháp Seokgatap và Dabotap. Các cầu thang Cheongungyo, Baegungyo và Chibogyo được gọi là những chiếc cầu vì đó là con đường dẫn đến thế giới vĩnh hằng của Bulguk, thế giới của Phật giáo. Ngoài ra còn có hai bức tượng Phật mạ đồng và nhiều đồ vật đặc sắc khác trong và ngoài sân chùa.
Hai cầu thang lớn có lan can bằng đá được xây dựng không cần vữa là một phần rất ấn tượng cho mặt tiền của khu đền. Cầu thang bên phải gồm một đợt thấp gồm các bậc được gọi là Paegun-gyo (cầu mây trắng) và một đợt cao hơn gồm các bậc được gọi là Chong-un-gyo (cầu mây xanh) còn cầu thang bên trái có hai đợt lần lượt được gọi là Chilbogy (cầu kho báu thứ bảy) và Yơnhwagyo (cầu sen). Paegun-gyo dẫn tới Chahamun (cổng mây màu hoa cà) là cổng chính để vào Taeungjon, nơi tôn nghiêm nhất của khu đền. Cầu thang còn lại dẫn tới Anyangmun (cổng đức hạnh), lối dẫn vào Kungnakchon là nơi linh thiêng thứ hai trong quần thể này.
Ngôi đền Taeungjon đầy màu sắc không phải là công trình kiến trúc to nhất nhưng chắc chắn nó là ngôi nhà quan trọng nhất vì ở đó có cất giữ tượng Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật đã được ghi vào sử sách. Bức tượng đồng mạ vàng được làm năm 1765, đặt cạnh Bồ tát của quá khứ, tiếp đến Bồ tát của tương lai, rồi đến các vị La Hán A-nam-đà và Ca Diếp.
Khu đền được trang trí bằng các đường nét đầy màu sắc rực rỡ của tanchong, không chỉ phản ánh niềm hạnh phúc thần tiên của đức Phật mà còn thể hiện sự hài hoà và thống nhất giữa vũ trụ và mặt đất để con người dễ tiếp cận hơn.
Trên phần sân của Taeungjon là hai ngôi chùa đẹp nhất! Hàn Quốc: chùa Thích Ca Mâu Ni cao 8,3m và chùa Châu Báu cao 10,5m, cả hai đều được xây năm 765. Người ta nói rằng, Kim Tae-song đã xây hai ngôi chùa đó cho cha mẹ mình nên có lẽ vì thế mà chùa Thích Ca Mâu Ni có dáng đàn ông còn chùa Châu Báu lại có dáng đàn bà. Chùa Thích Ca Mâu Ni thì giản dị, nguyên tắc còn chùa Châu Báu lại diêm dúa, cầu kỳ, thể hiện sự phức tạp của thế giới này.
Sau Taeungjon là ngôi nhà lớn nhất của khu đền, nơi có một phòng thuyết giảng được gọi là Musoljon dài 34,13m. Đằng sau ngôi chùa này về phía trái là ngôi nhà có tên là Pirojon, nơi người ta đặt tượng Đại Nhật Phật được làm vào thế kỷ thứ 18, 19. Đường nét, cử chỉ bàn tay nói lên rằng, vạn pháp và Phật chỉ là một.
Trên đỉnh núi phía sau Pulguksa là Sokkuram – một hang nhân tạo được xây dựng quanh khu thờ cúng đức Phật Tổ. Một trong những nét tinh tuý của các hang Phật châu Á là nó thể hiện việc áp dụng những nguyên tắc khoa học, kiến trúc tiên tiến. Sokkuram gồm một tiền sảnh hình chữ nhật và một phòng hình tròn có trần hình vòm, nối liền với một lối đi hình chữ nhật. Phòng tiền sảnh là biểu tượng của trái đất còn phòng trong hình tròn là biểu tượng của bầu trời. Trong phòng tròn có đặt một bức tượng Pbật lớn, để những ánh sáng đầu tiên của mặt trời mọc ở phương Đông luôn luôn chiếu vào các đồ trang sức bằng vàng trên trán tượng.
Bức tượng Phật như mọc từ trong tảng đá hoa cương guyên khối cao 3,5m ngồi xếp chân vòng tròn ngồi trên toà sen mặt hướng về hướng Đông, mắt nhắm lại thiền định với vẻ mặt giác ngộ. Những tướng đẹp của bức tượng lông mày mềm mại, mũi cao sang, đôi tai dài, tóc quăn sát đầu, được mô tả một cách sắc sảo. Bàn tay ở trong tư thế vẫy gọi mặt đất hãy chứng kiến, quả là một biểu tượng của quyền uy và sự thanh thản, đây là hiện thân của Thích Ca Mâu Ni. Việc nhân cách hoá thần thánh và bản chất của con người cùng với sự kết hợp huyền bí giữa sức mạnh của nam giới và vẻ đẹp của phụ nữ đã đạt tới tuyệt đỉnh trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật theo trường phái hiện thực cổ điển. Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng đây là bức tượng hoàn hảo nhất thế giới.
Sokkuram và Pulguksa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới từ năm 1995 vì chúng là kiệt tác của sự sáng tạo thiên tài của con người, là một minh chứng nổi bật cho một nền kiến trúc trong một giai đoạn lịch sử loài người. Điều đó cũng nói lên rằng nền văn hoá Hàn Quốc là một nền văn hoá đặc sắc.
Có thể bạn đang quan tâm tới thông tin du lịch Hàn Quốc?