Tháng 11 này, nếu như bất chợt muốn xách balo lên và đi, điểm đến mà bạn sẽ nghĩ tới là gì? Mộc Châu với hoa cải trắng ngút ngàn, Hà Giang với tam giác mạch tím mê ly? Chắc chắn sẽ có rất nhiều người có cùng suy nghĩ với bạn, và chắc hẳn chẳng du khách nào muốn phải chịu cảnh “người át hoa” hay xếp hàng dài để được vài kiểu ảnh chẳng ưng ý? Vậy còn Mù Căng Chải hoặc Đà Lạt? Đó lại là những địa điểm cần bạn phải trải nghiệm, tuy vậy chẳng phải ai trong chúng ta cũng là một phượt thủ. Có một địa điểm rất thú vị được “recommend” trong trường hợp này: Trà Vinh.
Du lich Trà Vinh có vẻ là một cụm từ nghe khá xa lạ bởi nơi đây không thực sự có những thắng cảnh đặc biệt ngoài vẻ đẹp hiền hòa vốn có của đất phương Nam. Tuy thế điều này chỉ đúng khi Trà Vinh chưa bước sang tháng 10 âm lịch, khi mà những hoạt động chuẩn bị cho lễ hội mới chỉ rục rịch diễn ra. Còn khi đã bước vào mùa lễ hội thì sao? Đó chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên cho bất cứ du khách nào
Trà Vinh là tỉnh có hơn 300.000 người là dân tộc Khmer, chiếm khoảng 30% dân số Hằng năm, cứ đến rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào người Khmer ở các tỉnh Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long lại tổ chức lễ hội Ok Om Bok để tỏ lòng biết ơn Mặt Trăng – vị thần đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa và được mùa bội thu. Lễ hội bao gồm nhiều hoạt động giải trí vừa mang tính hiện đại lại vẫn giữ được những nét truyền thống.
Về ngữ nghĩa trong tiếng Khmer, Ok có nghĩa là đút, Om Bok nghĩa là cốm dẹp. Vì vậy, lễ hội Ok Om Bok có nghĩa là lễ hội đút cốm dẹp. Thời điểm trăng lên cao nhất, các thành viên trong gia đình tập trung đông đủ làm lễ, bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn với vị thần Mặt trăng. Cúng xong lấy cốm dẹp đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng con cháu và hỏi những ước nguyện của con cháu họ.
Sau hàng trăm năm, các hoạt động của lễ hội đã không còn bó hép trong những nghi lễ của một buỗi tạ ơn mà đã dần mở rộng để trở thành một nét văn hóa nổi bật của người Khmer. Nghi lễ cúng trăng kết thúc cũng là lúc mà hoạt động được mong chờ nhất bắt đầu: đua ghe ngo. Theo phong tục của người Khmer, đây là nghi thức tiễn đưa thần nước về với biển cả sau mùa reo trồng, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ rằng thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông.
Hẳn lúc này bạn sẽ cảm thấy may mắn khi không nhiêu người biết tới lễ hội Ok Om Bok này mặc cho quy mô rất lớn của nó. Bởi chỉ có vậy bạn mới có thể cảm nhận được hết không khi náo nhiệt của những lễ hội làng cổ xưa, khi mà chung quanh hầu như chỉ có người dân bản địa. Các đội đua đến từ nhiều địa phương trong tỉnh hoặc trong khu vực. Ngày nay, do không còn thân gỗ độc mộc lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Mũi và lái của ghe đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi.
Dù đã từng nhìn trên ảnh hay chưa, bạn cũng sẽ phải ngỡ ngàng trước độ đông vui và “khổng lồ” của những “chiến thuyền”. Những tiếng hò reo cổ vũ huyên náo nhịp theo những mái chèo rẽ nước khỏe khoắn hang say, trên nền của tiếng cồng chiêng và những bài hát dân gian âm vang, tất cả tạo nên một không khí cổ xưa và huyên náo tới lạ kỳ. Đây là lễ hội đua thuyền lớn nhất của cả nước, vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội ghi lại những khoảnh khắc tuyệt với ấy.
Ngoài đua ghe Ngo, phần hội còn nhiều hoạt động khác như: Chơi cờ ốc; Bi sắt; Múa Răm Vông và Thả đèn nước, những chiếc đèn được làm bằng thân và bẹ chuối, có cấu tạo như ngôi đền, trang trí hoa văn màu sắc sặc sỡ. Đầu đèn có treo cờ phướn, xung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong có bày các thức cúng để tụng kinh tưởng nhớ đức Phật, đồng thời xin lỗi thần Đất, thần Nước vì làm ô uế, dơ bẩn nguồn nước, đào xới đất nơi đây.
Nếu muốn một lần được chạm tay vào những giá trị lịch sử tưởng đã mãi trôi qua, hay đơn giản tìm một địa điểm vừa đủ đặc sắc và cũng vừa đủ vắng lặng cho chuyến du lịch, đừng quên ghé qua Trà Vinh vào thời gian này.