Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Trong dịp lễ này, ngoài việc tiễn đưa năm cũ, người Việt cũng đồng thời mong muốn cả những khởi đầu mới, những may mắn tốt lành sẽ đến trong tân xuân. Chính vì vậy mà từ xa xưa, người ta đã có những ý thức về việc giữ gìn, kiêng cữ trong những ngày đầu năm mới để cầu may mắn về một năm an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Trong 3 ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết- cũng là những ngày được xem là quan trọng nhất trong năm, người ta thường có nhiều điều nên tránh làm, cũng là những phong tục tộc quán đã được truyền từ nhiều đời nay.
Kiêng quét nhà, đổ rác vào 3 ngày tết
Người xưa có câu chuyện kể về một người lười biếng nên bị Trời trừng phạt biến thành cây chổi, luôn phải làm việc mỏi mệt cả năm. Sau Trời thấy có hối cải bèn cho phép người đó nghỉ 3 ngày, và cũng là 3 ngày đầu năm. Bởi vậy, quét nhà trong dịp này được xem là trái ý Trời, sẽ gặp nhiều xui xẻo. Hơn nữa, người là quan niệm: nếu quét nhà và đổ rác trong 3 ngày Tết sẽ khiến tiền bạc, tài lộc trong nhà theo đó mà ra đi. Do vậy, mọi người thường sẽ tập trung vào dọn nhà và tổng vệ sinh vào những ngày cuối năm, cố gắng giữ nhà cửa ngăn nắp và bỏ rác vào một chỗ khác để tuân theo phong tục này.
Kiêng cho lửa, cho nước đầu năm
Lửa đỏ là ở trong bếp, tượng trưng cho sự may mắn, sự yên ổn. Bếp cũng là nơi ở của ông Công ông Táo, nếu mất đi lửa sẽ khiến bếp nguội lạnh, gặp điều không hay. Cho lửa ngày mồng một đồng nghĩa với việc đem may mắn của gia đình cho hết người khác, cũn có nghĩa sẽ nhận phần rủi ro của người khác về mình.
Tương tự, dân gian ta có câu: tiền vào như nước. Nước được coi là cội nguồn tài lộc, việc cho đi ngày đầu năm là điểu tối kị, vì như vậy là đang đem tài lộc của mình phân phát cho thiên hạ.
Kiêng vay mượn, cho vay hay trả nợ đầu năm
Đây là điều mà nhiều người biết nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó. Người ta thường chỉ nghĩ, có nợ thì phải trả nếu không chủ nợ sẽ buồn bực mất Tết mà không biết rằng hành động này theo tâm linh lại ảnh hưởng trực tiếp tới người vay. Theo phong tục Việt Nam, nếu bạn không trả nợ được trước dịp Tết, điều đó đồng nghĩa với bạn sẽ có cả một năm túng thiếu tiền bạc, luôn phải đi khất, đi vay. Do đó mà mọi người thường cố gắng sắp xếp trả hết các khoản nợ, đồ dùng đã mượn vào những ngày cuối năm, tránh để đầu xuân năm mới bị đòi nợ và gặp điều không may
Kiêng làm vỡ đồ dùng
Người ta quan niệm, đồ dùng trong nhà nếu ở gần bên người lâu cũng sẽ hút hồn người và tự nhiên cũng là một bản thể sống. Vì vậy, việc vỡ đồ không chỉ thể hiện điềm báo về việc mất mát tài sản mà còn có thể dự báo trước được sự rạn nứt, chia ly, trục trặc trong các mối quan hệ gia đình bạn bè. Đặc biệt, những đồ dùng hằng ngày như chén, bát, cốc, phải thật cẩn thận khi sử dụng để tránh những điềm rủi trong tân xuân.
Kiêng tranh cãi, bất hòa
Người Việt tin rằng, điều bạn làm trong 3 ngày Tết cũng sẽ là điềm báo cho cả năm của bạn. Bởi vậy mà tranh cãi, bất hòa vào 3 ngày Tết là điều tối kị nhất, vì đồng nghĩa với đó là cả một năm không yên ổn, nhiều sóng gió. Việc tranh biện tự nhiên cũng sẽ làm mất đi không khí vui tươi cũng như ý nghĩa sum họp quay quần của ngày đầu năm. Bởi vậy mà mọi người thường cố gắng gạt bỏ mọi bất hòa, luôn vui vẻ để có được may mắn, phước lành trong năm mới.
Kiêng đi chúc Tết sáng mùng một
Nhiều người thường có thói quen đi chúc tết sớm sáng mùng 1 kết hợp với xuất hành đầu năm. Tuy vậy, hành động này là không nên, do có một số gia đình có thoi quen xông đất buổi sáng- chứ không phải là tối Giao thừa. Phải nói thêm là người Việt rất coi trọng việc xông đất, lựa chọn người xông cũng phải hợp tuổi, khỏe mạnh, thành đạt, tốt tính để có thể đem lại may mắn cho gia chủ. Bởi vậy chắc chắn chủ nhà sẽ chẳng vui cho lắm nếu như xuất hiện người khách không mời xông nhà đầu năm trong khi vị khách của họ vì một lý do nào đó mà chưa tới được. Nếu không muốn trở thành người xông nhà bất đắc dĩ, thậm chí có thể xảy ra xung đột với chủ nhà, hãy đi chúc Tết bắt đầu từ lúc chiều. Thay vào đó, buổi sáng bạn có thể đi lễ chùa, hay đơn giản là rảo bước qua những con phố, những công viên để cảm nhận không khí Tết.