Tứ Phủ – Sân Khấu Hóa Nghi Thức Hầu Đồng Dân Gian

Tứ Phủ – Four Palaces Show là một chương trình biểu diễn diễn xướng dân gian mới, một sản phẩm nghệ thuật sân khấu mới của Viet Theatre mà chưa từng có một nhà hát, sân khấu nào từng biểu diễn. Đây là một một chương trình biểu diễn kết hợp các yếu tố âm nhạc dân gian, ánh sáng, hiệu ứng thị giác bằng hình ảnh điện tử với hình thức diễn xướng dân gian hầu đồng. Buổi biểu diễn được tổ chức tại rạp Công Nhân ( 42 Tràng Tiền, Hà Nội).

Poster quảng cáo Tứ Phủ

Vở diễn Tứ Phủ được đạo diễn Việt Tú lần đầu cho ra mắt báo trí vào trung tuần tháng 2/2016, các phần biểu diễn trong chương trình được lấy cảm hứng từ nghi lễ “Hầu đồng” ( một nghi lễ tín ngưỡng bản địa của người Việt) trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Trước đây những phần biểu diễn tương tự thường chỉ thấy xuất hiện trong những liên hoan mang tính thời điểm, nhưng Tứ phủ đã được tổ chúc định kỳ hàng tuần (12 xuất diễn trong tháng) để phục vụ cho khán giả và các du khách đến với Hà Nội. Sản phẩm sân khấu này phù hợp với những người yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng dân gian, những du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Việt Nam mà đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Đến với Tứ Phủ tại rạp Công Nhân trong buổi tối diễn ra chương trình, một ban Sơn Trang ( cung Sơn Trang hay động Sơn Trang) bằng vàng mã lớn của các giá hầu với hình nhân, ngựa giấy, voi giấy được sắp đặt nhằm tái hiện lại không gian tâm linh tại các Phủ Mẫu, điện thờ. Với những hình ảnh này, khán giả cứ ngỡ như mình đang được đến với một buổi lễ Hầu đồng thực sự chứ không phải đang đi xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật đơn thuần. Đó là tất cả những gì mà khán giả có thể thấy ở tầng 1 của rạp, lên đến tầng 2 khán giả sẽ cảm nhận rõ hơn không gian của một buổi lễ Hầu đồng với những làn khói mờ ảo và mùi trầm hương thoang thoảng.

Bàn sơn trang bằng vàng mã tạo nên không gian của một đền, phủ

Bàn sơn trang bằng vàng mã tạo nên không gian của một đền, phủ

Tứ Phủ được chia thành ba phần, cũng là sự thể hiện của Thanh đồng – nghệ sĩ biểu diễn với ba giá hầu: Chầu Đệ Nhị, Ông Hoàng Mười và Cô Bé Thượng Ngàn. Cả ba phần biểu diễn được gói gọn trong thời gian là 45 phút, một khoảng thời gian vừa đủ để mọi người có thể cảm nhận được những giá trị văn hóa tinh thần mà buổi biểu diễn mang lại.

Sự xuất hiện của các nghệ sĩ là một phần mở màn đầy ấn tượng với làn khói mờ ảo cùng với hiệu ứng ánh sáng, tạo nên một không gian linh thiêng đậm chất Việt. Thanh đồng, nghệ sĩ chính của buổi biểu diễn hóa thân thành các vị thánh, biến đổi thay đổi trang phục nhờ sự giúp đỡ của những người hầu dâng. Những người hầu dâng trong các nghi lễ Hầu đồng vốn không được chú ý đến nhiều, nhưng khi sân khấu hóa, họ lại trở thành điểm nhấn chính phối hợp nhịp nhàng cho phần khăn áo, trang điểm của Thanh đồng.

Hai cung hầu tạo thêm điểm nhấn cho phần biểu diễn bằng sự kết hợp nhịp nhàng với Thanh đồng

Hai cung hầu tạo thêm điểm nhấn cho phần biểu diễn bằng sự kết hợp nhịp nhàng với Thanh đồng

Các cung văn, các nghệ sĩ chơi nhạc là một phần không thể thiếu với một buổi Hầu đồng và tại Tứ Phủ cũng vậy, họ chính là những người tạo nên những hiệu ứng âm thanh cực kỳ tuyệt vời để phục vụ cho các phần biểu diễn, cũng như tạo nên sự phấn khích cho khán giả. Tất cả các nhạc cụ trong buổi biểu diễn đều là những nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, sáo, phách, trống, đàn bầu và một không gian nghệ thuật truyền thống như được tái hiện. Lời hát của cung văn đều nhằm ca ngợi các vị Thánh đã có công dạy cho nhân dân các trồng cấy, bảo vệ nhân dân khỏi thú giữ, dẹp giặc đánh xâm lăng,… mang lại cho nhân dân đời sống ấm no, hạnh phúc.

Giá hầu Chầu Đệ Nhị ( Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn là Thiên Thai tiên nữ, con vua Đế Thích, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp 81 cửa ngàn đất Việt) là phần diễn đầu tiên, Mẫu xuất hiện với chiếc khăn xếp và bộ trang phục màu xanh thêu những họa tiết rồng phượng tạo nên một vẻ uy nghiêm, trên gương mặt Mẫu luôn nở một nụ cười. Mẫu xuất hiện với một dáng vẻ oai nghiêm, uyển chuyển nhưng lại toát lên một vẻ thân mật gần gũi thể hiện lên mối quan hệ rất gắn bó, thân thiết giữa thế giới thần linh và thực tại, giữa các vị thánh và người trần thế.

Hình tượng Chầu Đệ Nhị được tái hiện trên sân khấu qua sự thể hiện của Thanh Đồng

Hình tượng Chầu Đệ Nhị được tái hiện trên sân khấu qua sự thể hiện của Thanh Đồng

Giá hầu Ông Hoàng Mười ( tên húy Nguyễn Xí, Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, là người giỏi thi phú, văn chương, ông luông giáng trần để giúp dân, phù đời). Khi nhập đồng Ông Mười mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông xuất hiện đầy oai phong lẫm liệt khi cầm cờ đánh trận, khi lại nho nhã thư sinh cầm quạt vịnh thơ.

Ông Hoàng Mười múa cờ - mô tả lại chiến công của Ngài đã giúp dân dẹp giặc cứu nước

Ông Hoàng Mười múa cờ – mô tả lại chiến công của Ngài đã giúp dân dẹp giặc cứu nước

Giá Cô Bé Thượng Ngàn (là con Vua Đế Thích trên Thiên Cung, được phong là Sơn Tinh Công Chúa, ra vào hầu cận bơ tòa Vua Mẫu trong điện ngọc, nơi tiên cảnh). Khi cô về ngự mặc áo váy đen trên đầu có dùng khăn vấn kết thành hình đóa hoa. Đây là phần biểu diễn hấp dẫn mọi người hơn cả bởi sự hóa thân của Thanh đồng thành Cô Bé đầy nhí nhảnh hồn nhiên, kết hợp với phần nhạc vui tươi. Kết thúc giá đồng Cô Đôi Thượng Ngàn, dưới những cánh hoa hồng đỏ thắm được tung bay dưới hàng ghế khán giả, Thanh đồng mang phần bánh kẹo đi phát lộc, đây cũng là một phần hấp dẫn và bất ngờ mà phần trình diễn mang lại, những người đến xem cũng tranh thủ đón lấy những phần lộc tuy nhỏ về vật chất nhưng lớn về tinh thần, là lộc thánh ban tặng, là kỷ niệm mà có lẽ những người lần đầu chứng kiến cũng khó lòng quên được.

Cô Đôi Thượng Ngàn phát lộc cho mọi người - chi tiết gây bất ngờ và thích thú cho người xem

Cô Đôi Thượng Ngàn phát lộc cho mọi người – chi tiết gây bất ngờ và thích thú cho người xem

Để đảm bảo chương trình diễn ra đúng thời gian, các phần thay trang phục nhập đồng của giá Ông Hoàng Mười và Cô Đôi Thượng Ngàn đã được lược bỏ, tuy nhiên điều đó đã không quá làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của phần biểu diễn. Thay vào đó là các hiệu ứng hình ảnh trên màn hình lớn phía sau Thanh đồng đã càng làm tăng sức mô tả cho phần diễn xướng đậm chất tượng hình này. Sau chương trình có một số khán giả nói thất vọng vì phần biểu diễn không được như những nghi lễ Hầu đông thực mà bị thay thế bởi các hiệu ứng hình ảnh, nhưng phải nói rằng đây là một chương trình sân khấu nghệ thuật, một tiết mục giải trí và hi vọng khán giả sẽ đánh giá phần trình diễn từ khía cạnh một tiết mục sân khấu.

Trang phục đẹp, âm nhạc hấp dẫn, hiệu ứng sân khấu hợp lý, … tất cả đã tạo nên sự thành công của Tứ Phủ. Các khán giả Việt trong chương trình tỏ ra khá hài lòng với buổi biểu diễn, với những tràng pháo tay không ngừng sau chương trình. Các khán giả nước ngoài thì dường như bị choáng ngợp hay thậm chí là phấn khích với những giai điệu của buổi biểu diễn, một khán giả nước ngoài được phỏng vấn đã nói rằng tiết mục quá tuyệt vời và dơ tay tặng kèm một biểu tượng like. Những nhận xét đó chính là sự cổ vũ tinh thần cho những người nghệ sĩ biểu diễn, nhà biên kịch, đạo diễn và tạo nên sức lôi cuốn với những người chưa từng xem Tứ Phủ và muốn được một lần thưởng thức.

Ngày nay để trục lợi cá nhân nhiều ông đồng bà cốt giả mạo đã làm biến tướng đi rất nhiều, làm hỏng đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Hãy đến với Tứ Phủ bạn sẽ thấy được một khung cảnh Hầu đồng thực sự, một không gian văn hóa chuẩn mực về tín ngường thờ Mẫu được tái hiện.

TỨ PHỦ
Một chuyến du hành tuyệt vời vào cõi tâm linh
Một màn trình diễn nghi lễ rất độc đáo của người Việt
Hàng nghìn năm lịch sử
Điều bạn chưa bao giờ được thưởng thức

Leave a Reply