Ẩm thực của người Thái vùng Tây Bắc đã được rất nhiều người biết đến với các món ăn nổi tiếng như: thịt trâu gác bếp, pa pộp tỉnh (cá suối nướng), măng đắng, rau sắng,… nhưng còn một món ăn, một món đặc sản lạ lẫm nhưng giản dị mà bạn nên thưởng thức khi đến với các bản người Thái nơi dẻo cao Tây Bắc. Món đặc sản ấy là “Rêu đá”.
Rêu đá là đặc sản chỉ có thể tìm thấy ở vùng Tây Bắc nước ta, thường mọc ở các gờ đá bên cạnh các dòng suối. Loại rêu này được đồng bào người Thái chia thành 3 loại với các tên gọi khác nhau như: “cui”, loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”, loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta thường dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Và từ những mảng rêu xanh biếc thân thuộc ấy, người Thái đã biến nó thành những món ăn hấp dẫn với các cách xào, hấp luộc và thậm chí là nướng.
Từ tháng 9 âm lịch năm trước tới tháng 5 âm lịch năm sau, trong khoảng thời gian này bạn sẽ thấy một hình ảnh quen thuộc là các cô gái Thái rủ nhau đi lấy rên bên bờ suối. Chẳng cần bàn tay chăm sóc của con người rêu đá vẫn mọc tươi non, chất lượng bên các dòng suối của khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Tuần Giáo, Mường Chà và lưu vực sông Đà ở Lai Châu.
Sau khi lấy rêu về các cô gái Thái với sự đảm đang khéo léo chế biến thành các món ăn ngon truyền thống. Trong đó Canh rêu tươi (kinh tau) là món ăn quen thuộc nhất. Sau khi hái về rêu được rửa sạch, cắt ngắn và thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm nêm nếm gia vị vừa khéo tạo nên một hương vị hấp dẫn.
Cách chế biến phức tạp hơn đó là nộm rêu non (tau nửng). Rêu rửa sạch, cắt nhỏ, hấp chín, thêm các gia vị muối, đường, gừng, rau thơm, ớt, mắc khén tạo nên món ăn mang đầy đủ hương vị đời người cay, đắng, ngọt, bùi.
Có lẽ trong tất cả các món ăn từ rêu đá, món rêu đá nướng (tau pho) là món thơm ngọt đặc biệt nhất. Rêu sạch cắt khúc, nêm gia vị hoặc không với các loại lá dong, lá chuối bọc lại nướng trên than hoa hay vùi trong tro nóng, khi chin gói rêu sẽ dậy mùi thơm phức. Một cách kết hợp nữa là rên đá kẹp que nướng chung với thịt lợn, cá suối, rêu nướng sẽ mỏng giòn và thơm ngậy. Nhâm nhi rêu đá nướng với chút rượi cay cay, quây quần bên gia đình, bạn bè – một khung cảnh thật đầm ấm.
Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được 2-3 ngày, người Thái cũng tích trữ rêu khô phơi gác bếp để ăn dần hay dùng trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, lên nhà mới hay lễ hội. Rêu đá còn là một món ăn tốt cho sức khỏe, vừa mát lành giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp cũng như nhiều công dụng khác. Rêu không ai gieo trồng mà tự mọc là một món quà của đất trời ban cho, chỉ cần giữ nguồn nước cho thật sạch.