Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bổ sung thêm 7 si sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong số đó có tết cá của người Tày tại tỉnh Hà Giang. Vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm, người dân xã Mậu Duệ, Yên Minh, Hà Giang, tổ chức Tết cá để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cũng là để tạ ơn người đã có công lao dạy dân trông lúa nước. Một nét văn hóa đẹp được gìn giữ góp phần phát triển cộng đồng, bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quý giá, góp phần phát triển bền vững du lịch Hà Giang và du lich Đông – Tây Bắc.
Cũng như bao lễ hội khác, Tết cá là một hình thức thỏa mãn nhu cầu tâm linh của dân chúng, nhưng thêm vào đó, đây còn là dịp trẻ con trong bản được mua sắm cho những bộ quần áo mới, dịp mà các chàng trai cô gái có cơ hội tìm hiểu nhau. Cũng trong dịp này, những người trong cùng một dòng tộc sẽ có cơ hội quây quần bên mân cỗ, chén rượu, kể chuyện gia đình, làng nước, bàn chuyện cày cấy, săn bắn; chia sẻ khó khăn, vui vẻ trong cuộc sống, để hiểu nhau hơn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Hàng năm, cứ đến ngày tết cá, bà con dân bản lại chuẩn bị những những mâm cỗ tươm tất để mời anh em họ hàng. Đặc biệt trong mân cỗ này phải có món cá, là cá chép được bắt từ ruộng về từ ngày mùng 7 hoặc muộn nhất là sáng mùng 8.
Theo dân gian, vào dịp tết này , dân bản sẽ bắt những con cá nhỉ, xâu dây vào miệng, làm bè nhỏ rồi thả cá vào để trẻ nhỏ tổ chức một cuộc thi “cá kéo bè” ở các con suối nhỏ quanh bản, để xác định xem con nào kéo bè khỏe hơn. Sau cuộc thi đó, những chú cá được đem về, nướng lên cho trẻ nhỏ ăn, con cá nào kéo bè càng khỏe thì người ăn nó càng khỏe người và hay ăn chóng lớn.
Còn những chú cá to hơn, bắt ở ruộng về phải do bàn tay của người mẹ chồng hoặc con dâu trong nhà mổ, và phải mổ dưới bàn thờ tổ tiên (dưới sự chứng kiến của gia tiên). Trong khi mổ cá tuyệt đối không được phép nói chuyện và không cho phép ai nhìn ngó, bởi vì khi điều cấm kỵ ấy xảy ra thì nghi thức này không con thiêng liêng, và những chú cá này sẽ không còn đủ “phẩm chất” dể có thể dâng lên bàn thờ tổ tiên để cầu mong sự phù hộ. Những gia đình nào không có cửa hoặc nhà không kín đào thì phải mắc màn dưới bàn thờ tổ tiên để mổ. Và mỗi nhà cần phải chuẩn bị được 12 món chế biến từ cá như:
- Cá nướng (Pẻ Pình): cá nướng bắt buộc khi làm món này phải có 12 con chá chép bằng nhau, mỗi con ít nhất là 100g. Cá được mổ lấy ruột, rửa sạch, ướp một chút muối (tuỳ theo khẩu vị), cá được nhét tỉ mỉ lá gừng vào miệng, sau đó lấy que chọc vào miệng thẳng thân, làm cách này cá không bị cong. Món cá nướng thường được chế biến từ mùng 8, thường là nướng sơ bộ, mùng 9 nướng lại.
- Cá đồ măng chua (Pẻ Moọc): Cá đã được làm sạch, măng chua được bóp kiệt nước, tía tô rửa sạch phơi ráo nước, gia vị muối mì tuỳ theo khẩu vị trộn đều nhau, rồi gói là cây rừng đem đồ.
- Gỏi (pẻ xả): Cá được đánh vẩy lọc lấy thịt thái chỉ cho vào giấy bản, đặt trên tro bếp cho thấm nước, đầu và đuôi được băn nhỏ rang vàng, thính được làm từ hạt bí hay đỗ tương, lá chua thái nhỏ, sau khi đã chuẩn bị xong trộn đều lên. đây là món ăn làm từ cá được người Tày và Nùng rất ưa thích.
- Ruột đồ hạt kê (khẩu phạng): Cá được nuôi trong ruộng, thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên, cá đã được bắt nhốt nên ruột rất sạch, chỉ bỏ mật là có thể sử dụng được. Món ăn này cách làm đơn giản lấy ruột trộn hạt kê vàng sau đó gói lá cây rừng đem đồ.
- Cá nấu canh mang chua (bung): Cá được trích lấy nguyên mật ra cho cá trộn lẫn vào măng từ lúc còn nước lạnh, gia vị muối mì tuỳ theo khẩu vị, cho vào nồi cứ thế đun không cần đảo.
- Nhân bánh trưng: là loại cá nhỏ bằng hai ngón tay, cá được mổ, làm sạch sau đó được đặt vào lẫn đậu xanh hoặc đậu tương một ít hạt tiêu, thảo quả, gừng. Khi ăn món bánh này rất thơm ngon không có mùi tanh của cá. Ngoài ra, còn có một số món như cá rán, cá nấu canh quả chám…
Một số món trong mân cỗ được chế biến chiều mùng 8 bắt buộc phải nấu chín vào buổi chiều hôm đó để cúng, đến trưa mùng 9 cúng lại một lần nữa thì mới đem ra mới khách.
Bắt đầu từ trưa mùng 9, người Tày bắt đầu ăn tết. Sau khi nấu các món ăn xong, mang dâng lên tổ tiên (bắt buộc phải có 2 món chính là cá nướng lá gừng – pẻ pình và cá nấy canh măng chua – pẻ moọc). Người đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ là người thực hiện nghi lễ cúng này, trong khi đó người phụ nữ lớn tuổi và có vai vế nhất trong gia đình đi mời khách – là anh em họ hàng xung quanh.
Trong ngày Tết cá có một tục rất độc đáo, đó là mỗi gia đình được mời đi ăn cỗ phải cử một thành viên trong gia đình đi ăn, người Tày gọi là “ăn đổi công”. Người đi ăn thường là người đàn ông biết uống rượu. Nếu gia đình được mời, không cử thành viên nào đi ăn thì bị xem là coi thường người mời, và họ tuyệt nhiên sẽ không đến gia đình người đó chơi trong ngày tết.
Đối với mỗi gia đình, dòng họ, có cách xưng tên họ khác nhau khi mời tổ tiên về dùng mâm cỗ cúng. Nhưng nội dung của bài cúng trong Tết cá sẽ hoàn toàn giống nhau: “Nhưng nội dung bài cúng trong “tết cá” hoàn toàn giống nhau. “Ông làm thày về đến mời. Mời ông tổ tiên ăn sôi cúng. Mời ông ăn cá khô. Mời ông ăn cá nấu măng chua. Mời ông bà ăn cá khô tôi làm ngon. Mời ông bà uống no, cho ông bà uống đủ. Ông bà đỡ con cháu. Đỡ con đường xa, dắt cháu đi đương vắng. Đỡ cả nhà tôi được bình an.”
Sau khi cũng xong và hết một tuần nhang, khách mời đã đến đông đủ, gia đình sẽ bắt đầu ăn tết. Theo thứ tự tuổi tác, người lớn được ngồi mâm trên, gần bàn thờ; các con cháu sẽ ngồi quây quần phía dưới. Trong khi ăn tết, người Tày uống rượu và chúc nhau sức khỏe, chúc mùa màng tới bội thu. Và sau khi tàn tiệc, những người khách mời thường hát bài “lượn” truyền thống của dân tộc, để gửi lời cám ơn tới gia chủ đã cho một bữa ăn ngon và cũng không quên gửi họ những lời chúc bình an, sức khỏe trước khi ra về.
Tết cá xuất phát từ truyền thống nuôi cá chép ruộng, cũng là tết mừng cơm mới, mong muốn mùa màng bội thu. Thưởng thức món cá chép ruộng là thưởng thức tinh hoa của đất trời cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt. Thông qua Tết cá, đồng bào Tày nơi đây đã thể hiện lên nét văn hóa truyền thống địa phương, mang đậm bản sắc tộc người giữa bức tranh văn hóa Tây Bắc đa dạng.