Trải qua thăng trầm lịch sử, dọc ven biển, đảo miền Trung hình thành những bãi đá hoang sơ trông như những bức tranh thiên nhiên tuyệt tác.
Ngày mới ở thắng cảnh “Thạch ky điếu tẩu”, một trong những bãi đá hình lục giác ở làng biển Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Trong buổi sớm, sóng biển xô vào gành đá tạo màu trắng sữa huyền hoặc như sương khói.
Ghềnh Đá Đĩa còn gọi là gành Đá Dĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên), là danh thắng thiên nhiên nhiên độc đáo về địa chất ở Việt Nam. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng.
Trẻ em làng chài An Ninh Đông, huyện Tuy An nô đùa ở thắng cảnh gành Đá Dĩa. Khu ghềnh đặc biệt này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dòng dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quan kỳ thú. Năm 1998, thắng cảnh này được Nhà nước xếp hạng là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia.
Cổng đá Tò Vò hình mái vòm, người dân địa phương còn gọi là cổng trời, dấu tích hàng triệu năm của hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn.
Từ ngoài khơi nhìn về phía núi đá Thới Lới, dấu tích miệng núi lửa lõm sâu hình vòng cung như chiếc túi khổng lồ chứa đựng cả biển trời mênh mông.
Những ngư dân nghỉ ngơi, trò chuyện bên bãi đá kỳ vĩ ven biển tạo nên không gian nên thơ, độc đáo ở làng chài miền Trung.
Thắng cảnh hòn Đụn, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn tạo nên từ đá trầm tích núi lửa như con rồng đang vươn mình ra phía biển.
Hải âu tung cánh về tổ bên vách đá uốn lượn theo cánh sóng ở đảo Lý Sơn.
Nguồn: Internet