Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm trong khi lượng khách Nhật, những người nổi tiếng về độ chịu chi, vẫn giữ ở mức cao trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam tập trung vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5/2014, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm gần 10% so với tháng 4. Trong đó số giảm chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc. Ngoài lý do tháng 5 là mùa thấp điểm đón khách quốc tế, thì tình hình căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam cũng là một nguyên nhân của tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từng nhiều lần nhắc đến sự ảnh hưởng của tình hình Biển Đông đến lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Tổng cục Du lịch cũng đã dự báo trước rằng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ sụt giảm mạnh từ tháng 6 trở đi do hệ quả của sự kiện trên.
Ngành du lịch đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn và hạn chế ảnh hưởng tới mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam vào cuối năm. Một trong các giải pháp đang được tập trung thảo luận là điều chỉnh thu hút khách từ những thị trường tiềm năng khác như Nhật, Mỹ, Hàn, Australia…
Ông Tuấn nhận xét: “Tuy Trung Quốc có lượng khách vào Việt Nam cao nhất, chiếm 25% tổng số khách quốc tế song họ chủ yếu đi bằng đường bộ nên chi tiêu ít, vào khoảng 300 đến 650 USD/người”. Vì vậy, lãnh đạo ngành cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch tập trung mở rộng các thị trường có mức chi tiêu lớn, thay vì phụ thuộc vào những thị trường “đông mà không tinh”.
Trong bối cảnh đó, đầu tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên một văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam được mở ở nước ngoài và đặt tại Tokyo, Nhật Bản. Đây không chỉ là cột mốc đánh dấu sự phát triển của ngành mà còn phần nào cho thấy một bước chuyển dịch mới về thị trường mục tiêu hướng đến của du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết: “Nhiều nước đã lập văn phòng du lịch ở nước ngoài để giới thiệu hình ảnh, các sản phẩm du lịch và công ty lữ hành nhằm thu hút khách, đồng thời bảo vệ khách du lịch của họ khi sang nước ngoài. Tuy nhiên đến tận năm 2014 chúng ta mới có văn phòng đại diện du lịch Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài. Đây là cố gắng to lớn của toàn ngành và chúng ta đã chọn thị trường quan trọng nhất là Nhật Bản”.
Trong năm 2013, khách Nhật đến Việt Nam tiếp tục tăng và đạt khoảng 604.000 lượt, đứng thứ 3 trong số khách quốc tế. Dù vậy xét về chi tiêu khi đi du lịch Việt Nam, khách Nhật lại đứng thứ nhất. Mặt khác, Nhật Bản còn là thị trường đầy tiềm năng với 120 triệu dân, kinh tế phát triển đứng thứ hai thế giới. Do đó, không chỉ du lịch Việt Nam mà tất cả các nước đều mong muốn khai thác thị trường khách từ Nhật.
Sự ra đời của văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Tokyo vừa qua được kỳ vọng sẽ có tác động trong việc thu hút thêm khách du lịch Nhật Bản, hướng đến mục tiêu một triệu lượt khách nước này đến Việt Nam vào những năm tới. Để đạt được điều này, ngành du lịch buộc phải xây dựng những sản phẩm du lịch thích hợp để hấp dẫn các thị trường.
“Khi tập trung vào thị trường Nhật thì phải có những sản phẩm mới hơn, tốt hơn để thu hút khách du lịch nước này. Đồng thời phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý của Nhật để đưa ra một chương trình hành động cụ thể, định hướng rõ ràng để hoạt động của các doanh nghiệp đi theo. Có như vậy khó khăn sẽ được khắc phục và du lịch Việt Nam mới phát triển được”, ông Bình nhận định.
Nguồn: Internet