Quần thể kiếm trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Là khu di tích kết hợp đặc biệt gồm Văn Miếu: được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông thờ Khổng Tử và nhà giáo vĩ đại của nước Việt xưa là Chu Văn An (năm 1370); Quốc Tử Giám: Trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam. Năm 1076, Quốc Tử Giám được thành lập và là nơi đào tạo những nhân tài trên khắp cả nước. Bên trong khu quần thể là di tích bia đá tiến sĩ nổi tiếng nhằm tôn vinh những hiền tài đã có công lớn cho dân tộc. Mỗi bia đá đều ghi tên tuổi, quê quán, và được đặt trên lưng rùa, một trong bốn linh vật quý, với ý nghĩa tôn trọng và trường tồn với thời gian.
Hồ Hoàn Kiếm
Tọa lạc giữa trung tâm thành phố Hà Nội, hồ Gươm (hay còn có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm) là một công trình nổi tiếng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cho đến nay vẫn được lưu truyền lại trong các truyền thuyết. Giữa hồ có một bán đảo nhỏ, đó chính là tháp rùa cổ kính. Bên cạnh đó, xung quanh hồ Hoàn Kiếm còn có những công trình mang nhiều ý nghĩa cả về kiến trúc lẫn lịch sử như: Tháp Hòa Phong, cầu Thê Húc, tháp Bút, đền Ngọc Sơn….
Khu phố cổ
Một trong những điều đặc biệt tạo nên những nét đặc sắc của du lịch Hà Nội đó chính là phố cổ Hà Nội (Hà Nội 36 phố phường). Từ thế kỷ 19 cho đến nay, phố cổ vẫn luôn giữ được những nét đơn sơ, giản dị từ công trình kiến trúc đến lối sống của người dân. Đến đây, khách du lịch mới cảm nhận được hết nét đẹp của con người Hà Nội khi đi dạo trên những con phổ nhỏ này. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, phố cổ luôn nhộn nhịp, đông vui với các gian hàng chợ đêm được mở ra để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống cho khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Nhà hát Lớn Hà Nội
Là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dừng từ đầu thế kỷ 20, nhà hát Lớn Hà Nội luôn là địa điểm được ưu tiên tổ chức các sư kiện trọng đại về nghệ thuật trong nước và trở thành một trong những công trình tạo nên nét đẹp của thành phố Hà Nội
Quảng trường Ba Đình – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vào ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trong hành trình xây dựng đất nước của dân tộc. Lăng Chủ Tịch (còn gọi là lăng Bác) là nơi yên nghỉ cuối cùng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Bác mở cửa vào buổi sáng cho khách 5 ngày một tuần phục vụ khách thăm quan.
Hồ Tây
Nằm ở phía Bắc trung tâm thành phố, Hồ Tây là hồ có diện tích lớn nhất Hà Nội. Xung quanh hồ có rất nhiều quán cà phê, du khách có thể chọn cho mình ly cà phê nóng, vừa thưởng thức vừa ngắm cảnh đẹp thành phố. Khu vực hồ Tây cũng là địa điểm vui chơi như du thuyền, đạp vịt hồ Tây dành cho các cặp đôi và gia đình thư giãn cuối tuần. Đặc biệt, bánh tôm hồ Tây là món ăn đã trở thành môt trong những đặc sản không thể bỏ qua khi khách du lịch đến Hà Nội. Đọc con đường Nghi Tàm, du khách sẽ có dịp thăm quan chợ hoa nhiều màu sắc và là một trong những địa điểm cung cấp hoa lớn nhất cho toàn thành phố.
Các điểm du lịch ngoại thành Hà Nội
Làng cổ Đường Lâm
Là nơi hiếm hoi còn giữ được những nét đặc sắc và giá trị truyền thống của một làng quê Việt Nam với hình ảnh “Cây đa giếng nước sân đình”, những ngôi nhà đá ong có tuổi đời hàng trăm năm. Đến tham quan tại đây, khách du lịch sẽ được tận mắt trải nghiệm cuộc sống giản dị, học hỏi nghề làm tương đã tồn tại từ hàng đời nay và thưởng thức những bữa cơm gia đình mang đậm nét truyền thống văn hóa Việt xưa.
Làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng từ nhiều thế hệ đến nay luôn là nơi sản xuất những mặt hàng gốm sứ chất lượng nhất trong cả nước. Ghé thăm làng Bát Tràng, những bức tường phơi than lạ mắt sẽ là một nơi thích hợp để khách du lịch chụp những tấm ảnh kỷ niệm đáng nhớ. Du khách có thể đi dạo bên bờ sông Hồng ngắm cảnh đẹp, hít thở không khí trong lành, hoặc trải nghiệm cảm giác thú vị khi được dạo quanh ngôi làng bằng những chiếc “xe trâu” độc đáo. Đặc biệt, khách du lịch còn có cơ hội được thử sức làm thợ gốm với giá cả phải chăng – khoảng trên dưới 20.000VNĐ (năm 2015). Du khách sẽ được hướng dẫn tận tình cách sử dụng bàn xoay, tạo mẫu đất sét thành sản phẩm của riêng mình để làm kỷ niệm hoặc tặng cho bạn bè, người thân. Nếu cảm thấy mỏi chân, du khách có thể nghỉ chân tại các quán ven đường, thưởng thức ẩm thực Bát Tràng với những món ăn giá rẻ và ngon miệng như bánh tẻ, bánh sắn,… Đến Bát Tràng vào tháng 4, tháng 5, du khách sẽ có cơ hội thưởng món ổi Đông Dư nổi tiếng thơm ngon. Chợ Bát Tràng là điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình, đây là nơi buôn bán rất nhiều các loại gốm sứ từ những mặt hàng gia dụng đến mặt hàng cao cấp, thích hợp để du khách có thể mua về sử dụng hoặc làm quà cho người thân.