Wat Phou là di tích một quần thể đền thờ Khơmer ở Nam Lào. Wat Phou toạ lạc dưới chân núi Phu Cao, tỉnh Champasak, cách sông Mê Kông 6km. Quần thể này có môt ngôi đền từ thế kỷ thứ 5 nhưng các cấu trúc còn sót lại thì có niên đại từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13.
Wat Phou đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2001. Ngay cổng vào đền có nhà bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, linga, phù điêu, hoạ tiết trang trí chạm khắc trên đá đẹp tuyệt vời. Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 11. Cổng chính và mặt trước của ngôi đền đã đổ nát nhưng vẫn còn đấy dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần của Ấn Độ giáo, nơi đây thực sự là lựa chọn lý tưởng cho những du khách du lịch Lào.
Qua cổng, du khách theo con đường rộng đến chân núi thẳng tắp những hình trụ đá hình linga, biểu tượng của thần Siva, của sự sinh sản và nguồn sống. Mặt đường lát bằng những tảng đá phẳng. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía Đông, đối xứng nhau, trên một gò đồi bằng phẳng. Cả hai ngôi đền này đều đã bị đổ nát và đang được tiến hành trùng tu. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá, những cột đá, tường đá, những dốc đứng có bậc tam cấp lát đá đã nhẵn thín, chứng tích của biết bao dấu chân người hơn ngàn năm trở lại đây đã đến nơi này du ngoạn và chiêm bái. Khu đền thượng nằm ở lưng chừng núi. Đường lên đền thượng cũng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng.
Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi đá, trên đó những người thợ tài hoa xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ rất sống động. Nhìn vào kiến trúc ngôi đền, hình dung công việc vận chuyển những khối đá lớn, gọt đẽo, thổi hồn vào đá bằng những hoa văn, tượng Phật, thần linh, rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn nhưng hài hoà, vững chãi trên triền núi cao… mới thấy người xưa đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, của cải, tổ chức một đại công trường mới tạo dựng được một Wat Phou kỳ vĩ như thế.
Wat Phou là ngôi đền Khơmer vĩ đại nhất hiện hữu ở đất nước Lào, được xây dựng hoàn thiện vào thế kỷ thứ X. Khi người Khơmer xây dựng Wat Phou thì ở đây đã có một ngôi đền cũ thờ sơn thần và thuỷ thần, chứng tỏ vùng đất này đã có một nền văn minh trước Ăngkor. Truyền thuyết và lịch sử Lào xác định đó là đền thờ thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 và thứ 7. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Các nhà khảo cổ học luận giải rằng, thời kỳ đó đã từng tồn tại một con đường nối Wat Phou với kinh đô Ăngkor, cách đổ khoảng 100km.
Ban đầu là ngôi đền núi, về sau, khi Phật giáo đã trở thành Quốc giáo của đất nước Triệu Voi thì Wat Phou được trùng tu, biến đổi thành một ngôi chùa thờ Phật. Từ thế kỷ 11, ngọn núi với dòng suối thiêng phía sau ngôi chùa là trung tâm thờ phụng và thiền định của các tu sĩ.
Ngày nay lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong ba ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Người dân khắp đất nước Lào và các tỉnh láng giềng vùng Đông Bắc Thái Lan nô nức hành hương về đây. Hồ Noòng Viêng (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội. Tại đây có các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa. Các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng vật linh đồng thời được tổ chức.
Không tránh khỏi sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, nhưng Wat Phou hơn nghìn năm lịch sử vẫn là điểm đến hấp dẫn của những vị khách du lịch Lào, bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo, bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người.
Hiện nay, Wat Phou không chỉ là nơi thu hút khách du lịch trong nước Lào đến tham quan và tham gia lễ hội mà còn là điểm đến hết sức hấp dẫn đối với du khách nước ngoài yêu thích du lịch Lào.
Đọc thêm thông tin về du lịch Singapore.