Từ sân bay Heho đến Inle Lake chừng 45 phút lái xe, đến hang Pindaya cũng chừng đó thời gian nhưng ở chiều ngược lại.
Pindaya là một điểm rất nên ghé thăm trong chuyến nghỉ dưỡng và du lịch tại Shan state. Khi đến địa phận của Shan state, xe sẽ dừng trước một trạm bán vé vào địa phận này, giá là US$2/ khách.
Trước khi đến hang Pindaya, du khách sẽ được dừng thăm một cái chợ địa phương khá sầm uất. Ở đó có đa dạng các mặt hàng và sản vật của địa phương. Du khách sẽ có cơ hội chụp lại những bức chân dung của bà già, phụ nữ và em nhỏ với cách trang điểm tanaka theo sở thích của họ. Người dân địa phương không lạ lẫm với du khách vì hàng ngày đều có khách du lịch ghé thăm.
Động Pindaya nhìn từ bên ngoài với dáng vẻ của một ngôi chùa. Cũng giống như bao ngôi chùa trên đất Myanmar, lối đi bộ cho khách thăm quan được lợp mái từ chân núi lên đến cổng hang, và khách thập phương chắc chắn phải bỏ dép ở những bậc thang dẫn lên chùa. Có một điều khác biệt của ngôi chùa hang động này là khách du lịch có thể sử dụng cầu thang máy để lên đến cổng chùa. Cổng chùa được thiết kế khá rộng rãi, hai bên bán hàng lưu niệm khá bắt mắt và một quầy thu phí máy ảnh của khách du lịch. Vào bên trong sẽ thấy cơ man nào là tượng Phật, to, nhỏ, lớn, bé….rất phong phú và đa dạng, tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên địa phương, có tất cả gần 8,000 tượng Phật trong hệ thống chùa hang này. Các bức tượng được xây dựng theo từng sự công đức của Phật tử trên toàn thế giới. Ở dưới chân mỗi bức tượng là những dòng chữ ghi công đức của chủ nhân bức tượng, từ Đức, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Myanmar …. Tượng nhiều đến mức mà du khách chỉ có những lối đi chỉ đủ cho hai người tránh nhau. Tượng được bài trí từ lòng hang đến trần hang, du khách cũng vì vậy mà đi vòng từ cửa hang lên đến tận trên cùng và có thể nhìn thấy toàn cảnh chùa động với hàng ngàn tượng Phật. Ở đây, Phật không còn xa vời với con người, Phật ở ngay bên cạnh, bên phải, bên trái, trên đầu, bên dưới…., rất dễ dàng để chạm tay vào tượng Phật mà không sợ bất kính hay phạm thượng.
Trong ngăn thứ hai của hang động là một không gian rộng mở với tiếp theo hàng ngàn tượng Phật. Tượng Phật được bài trí xen kẽ với thạch nhũ trong hang, lấp lánh ánh vàng, ánh kim. Tất cả đều toát lên vẻ trang nghiêm mà lộng lẫy. Trong hang động được trang trí ánh sáng trắng soi sáng lối đi cho khách hành hương, ánh sáng vàng huyền ảo soi sáng các bức tượng Phật. Tuỳ vào đức tin và tâm linh của người công đức, tượng Phật được xây dựng theo ý tưởng và bài trí theo ý tưởng đưa ra. Trong hang động còn có cây thạch nhũ nối liền từ trần hang xuống đất, nước từ trần hang theo đó mà chảy xuống ngày này qua ngày khác. Theo quan niệm của người dân địa phương, nếu ai vào thăm chùa mà xoa tay vào cột thạch nhũ này, lấy nước xoa lên cơ thể sẽ được gặp may mắn. Chính vì vậy mà các bà, các chị đến thăm đều lấy tay xoa lên cây thạch nhũ để cầu an cho mình. Lâu ngày, cây thạch nhũ mất đi vẻ lấp lánh mà thay vào đó là một màu đen xỉn.
Trong không gian thứ hai này còn có một khu vực được bài trí một quần thể các tượng Phật và trước mặt là một vòng tròn luân hồi. Quan niệm nơi đây là khách hành hương sẽ niệm Phật, đi vòng quanh 7 lần sẽ gặp nhiều may mắn, và nơi này cũng là một điểm ít người bỏ qua.
Đường đi lối lại trong hang được xây dựng rất an toàn cho người đi bộ (chân đất). Toàn bộ sàn hang được lát gạch men sần, các lối đi chính được rải thảm chống trơn trượt. Có thể nói người Myanmar rất quan tâm đến sự an toàn cho Phật tử, và họ đầu tư không tiếc tiền cho cơ sở hạ tầng trong chùa.
Người dân nơi đây không thắp hương trong chùa hang, lễ vật duy nhất họ mang đến cúng là hoa tươi. Có những đoàn Phật tử chỉ đến và làm lễ, họ rất thành tâm bằng cách lễ quỳ và phủ phục trước tượng Phật. Trong chùa có hàng ngàn tượng Phật nhưng duy nhất chỉ có tượng Phật Thích ca Mâu Ni mà thôi. Người bán hàng quanh chùa cũng chỉ trông mong vào việc bán đồ lưu niệm cho khách chứ đồ lễ không đa dạng như được bày bán trước cổng chùa ở Việt Nam. Giá vào thăm hang động Pindaya là US$3/ khách, phí cho máy chụp ảnh là 300 kyats (tương đương khoảng 6,000 đồng Việt Nam).
Dọc hai bên đường vào khu vực hang động là các cây đa hàng trăm năm tuổi, tán rộng và bao trùm cả một khoảng không gian rộng lớn.
Sau khi thăm hang Pindaya, du khách sẽ dừng chân tại một nhà hàng địa phương ăn trưa. Các nhà hàng ở đây được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Myanmar nên không gian rất đẹp và thoáng đãng. Đồ ăn khá ngon với giá cả hợp lý, một bữa ăn cho hai người 3 món chính và một cốc nước quả giá chừng 170,000-180,00 một người.
Trước khi tiếp tục chuyến đi chừng hai tiếng đến Inle Lake, du khách sẽ được dừng chân tại một gia đình làm nghề giấy và ô của người dân nơi đây. Vợ chồng người chủ nhà sẽ biểu diễn cho khách du lịch từng công đoạn làm giấy từ cây dâu, làm khung ô từ cây tre…., sau đó sẽ là show room và bán hàng. Sản phẩm khá đẹp và khá đặc trưng của vùng.
Đường đến Pindaya khá bằng phẳng nhưng hơi nhỏ, đặc trưng của vùng cao nguyên đất đỏ bazan. Trên đường đi, du khách còn được ghé chân vào một nhà dân làm nguyên liệu vỏ xì gà Myanmar từ cây trồng tại vườn nhà. Các công đoạn khá đơn giản, họ hái lá vào nhà, tách sống lá và cho vào bếp (được thiết kế khá đặc biệt) để sấy lá cho khô, sau đó xếp gọn vào giỏ và bán cho các gia đình làm xì gà. Cách làm xì gà sẽ được tiếp tục trong Câu chuyện Inle Lake.
Xem thêm thông tin du lịch Myanmar tại đây.