“Kẹt” giữa tam giác du lịch lừng danh Nha Trang – Mũi Né – Đà Lạt, khí hậu khắc nghiệt, nhưng Ninh Thuận chứa trong lòng mình sự quyến rũ, vừa mặn mà vừa ngọt ngào riêng bởi những điều đặc sắc mà chỉ thiên nhiên, phong cảnh, con người nơi này mới có.
Ninh Thuận có biển, có đồi cát, kiến trúc Champa độc đáo và lễ hội đặc sắc sẽ níu chân bạn. Bạn có thể tham quan tháp Po Klaong Garai, Tháp Po Rome hay làng gốm Bàu Trúc. Nhưng có lẽ điều mang lại cho du khách nhiều kỷ niệm nhất chính là trải nghiệm lễ hội Kate – lễ hội lớn và quan trọng của người Chăm theo tôn giáo Bà La Môn diễn ra ở đền tháp và các làng Chăm.
Cứ đến tháng 10 hàng năm, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận lại nhộn nhịp với tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginang báo hiệu một mùa Kate rộn ràng tới. Lễ hội Kate là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm nhằm khoảng đầu tháng 10 dương lịch, để tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Rômê…
Quy mô của lễ hội khá lớn, lần lượt từ đền tháp đến làng rồi về từng gia đình. Điểm đặc biệt nhất của lễ hội có lẽ là trong thời gian diễn ra, những thiếu nữ Chăm sẽ diện những bộ áo dài truyền thống, bẽn lẽn, e lệ bước chậm rãi trong chuyến hành hương về tháp cổ của dân tộc. Nếu bạn muốn ngược con thuyền trôi dòng lịch sử để cảm nhận những nét văn hóa truyền thống của vương quốc Chăm pa huyền bí, cổ xưa hay chỉ đơn giản là ngây ngất trước nét đẹp “man dại”, bí ẩn của người con gái xứ Chăm, Ninh Thuận chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua trong thời gian này.
Một ngày, trước khi lễ hội chính thức diễn ra tại các đền tháp thì tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước có tổ chức lễ đón rước y trang từ người Raglai tại đền Pô Nưgar. Theo truyền thuyết, người Raglai là em út của người Chăm có nhiệm vụ giữ gìn y trang để mỗi năm trao lại cho người Chăm. Ngày thứ hai, lễ diễn ra tại tháp Pô Klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh và tháp Pô Rômê trên đồi ” Bôn acho” tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu.Đây cũng là dịp để những người tham dự được chiêm ngưỡng các đền tháp cổ kính vẫn còn nguyên vẹn một cách thần kỳ cho tới ngày nay cũng như thưởng thức một nền nghệ thuật ca múa nhạc dân gian với phong cách độc đáo.
Trong buổi lễ này người Chăm sẽ thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho vua. Đây là nghi thức kỳ bí nhất diễn ra bên trong tháp. Những người được tắm cho vua còn thấm nước trên tượng ngài bôi lên đầu mình để cầu may mắn, sức khỏe.Chiều tối ngày thứ 2 cũng là khi lễ hội ở các tháp Chăm kết thúc và sau đó là lễ hội Kate ở làng và từng gia đình. Tại các làng Chăm không khí lễ hội lại bừng lên tuy nhiên qui mô nhỏ hơn và phần lễ cũng đơn giản hơn.
Qua một chặng dài lịch sử, Kate là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ di sản văn hóa Chăm đồ sộ mà người Chăm tích lũy được trên dặm đường lịch sử của mình. Lễ hội Kate là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Kate 2015 sẽ được diễn ra từ ngày 11/10/2015 đến ngày 13/10/2015 tại các đền, tháp: đền Pô Inư Nưga ở thôn Hữu Đức, tháp Pô Rômê ở thôn Hậu Sanh và tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang.