Khu phố cổ Hội An nằm trên thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam được xây dựng từ thế kỷ 16. Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hội An đã được thế giới biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như Faifo, Haisfo, Hoài phố…
Cho đến nay khu phố cổ vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ… và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ thu hút khách du lịch Đà Nẵng – Hội An.
Khi du lịch Hội An, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn mầu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa: Chùa Cầu – một công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16 với nhiều nét kiến trúc Nhật – Việt – Trung độc đáo, dẫy nhà cổ hai tầng quay lưng về phía sông Hoài. Đó là những dãy nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia, được xây dựng bằng gỗ quý; trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn cầu kỳ. Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến – nơi thờ cúng những vị thần, tướng. Rồi nhà thờ tộc Trần – nơi tụ họp con cháu vào dịp lễ bái, tri ân tổ tiên và giải quyết những vấn đề trong dòng tộc… Tất cả đứng lặng lẽ, tạo cho khu phố mang một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng.
Xưa kia người Việt quen dùng đĩa đèn đầu lạc để thắp sáng thì ngày nay người Nhật Bản và người Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng.
Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng lơ lửng dọc theo hàng cột, đèn trụ vuông, đèn qua trám to nhỏ các cỡ… tạo nên một thế giới lung linh huyền ảo.
Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan giã gạo… vẳng lên từ những con thuyền dưới bến sông, dưới mái hiên nơi đầu phố… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ với du khách.
Đến với Hội An là du khách có dịp thưởng thức những món ăn phong vị xứ Quảng như bánh Bo, bánh Vạc, Cao lầu tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ. Hiện diện trên phố cổ là vô số các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm.
Nơi đây còn in dấu của các di tích mộ táng, các hiện vật quý thuộc về công cụ sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, trang sức, tín ngưỡng, tài liệu, thư tịch cổ…, bằng các chất liệu gốm, đồng, sắt, đá, thuỷ tinh… qua các giai đoạn phát triển trong lịch sử, hiện được lưu giữ tại các bảo tàng như bảo tàng gốm sứ mậu dịch, bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh.
Khu phố cổ Hội An không chỉ lưu giữ những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng mà còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thông, các món ăn đặc sản.., làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Chính vì những giá trị to lớn này mà Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1999.
Đọc thêm chi tiết du lịch Huế tại đây!