Vị trí địa lý
Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là một quốc gia có đất liền bao quanh nằm ở trung tâm lục địa Đông Nam Á với diện tích hiện nay là 236.800km2 (dài 1162km, rộng 478km). Lào (Laos) có biên giới giáp với Myanma và Trung Quốc ở phía Tây Bắc, giáp với Việt Nam ở phía Đông, giáp với Campuchia ở phía Nam và giáp với Thái Lan ở phía Tây. Lào còn được gọi là “đất nước Triệu Voi” hay Vạn Tượng. Trước đây Lào còn có tên gọi là Ai Lao.
Lào là đất nước nội địa điển hình, ở Đông Nam Á với những cánh rừng rậm rạp bao phủ các khu vực núi đồi lởm chởm. Đỉnh cao nhất là Phou Bia, cao 2820m với một số đồng bằng và cao nguyên. Sông Mekong nằm trong vùng lãnh thổ của Lào dài khoảng 1865 km, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho quốc gia này, là dải ngăn cách biên giới phía Tây với Thái Lan; trong khi đó dãy Trường Sơn chạy dọc theo biên giới phía Đông với Việt Nam.
Lào có khí hậu nhiệt đới với đặc trưng là có hai mùa: mùa mưa và mùa khô trong đó mùa mưa diễn ra hàng năm từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Ở những vùng núi như Xiêng Khoảng, nhiệt độ có thể xuống đến âm độ vào tháng 12 và tháng 1. Tháng 3 và tháng 4 là những tháng nóng nhất khi nhiệt độ lên đến 34°c. Những tháng mát mẻ nhất là từ tháng 11 đến tháng 2, tức là nửa đầu của mùa khô. Vào thời gian này, mực nước sông Mê Kông xuống rất thấp, để lộ ra những cù lao và những bờ cát ẩn mình dưới mặt nước trong suốt thời gian còn lại trong năm.
Lào cũng là quốc gia có nhiều loài động vật quý hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi, và bò tót khổng lồ.
Trước năm 1975, đất nước Lào có 16 tỉnh. Từ năm 2004 đến nay, lãnh thổ Lào được chia thành 18 tỉnh. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Lào là Viêng Chăn, các thành phố lớn khác là Luang Phrabang, Savannakhets và Pakse. Trong đó, Savannakhets là một đầu cầu thương mại quan trọng.
Đặc điểm dân cư
Lào có dận số ước tính khoảng 5 5 triệu người (thống kê năm 2000). So với các nước châu Á khác, Lào là một nước có mật độ dân cư khá thưa thớt, chỉ có 20 người/km2. Chính phủ Lào đang thực hiện nhiều chính sách để gia tăng dân gô. Tuổi thọ trung bình của người dân Lào hiện nay vẫn còn thấp, trung bình là 50 tuổi.
Dân số Lào sông tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (hơn 2/3 dân số) mặc dù quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Những tỉnh đông dân nhất là Savannakhets (692.000 người), Viêng Chăn (503.000 người) và Cham Pasak (492.000 người). Lào là nước có nhiều dân tộc thiểu số nhất trong khu vực, có hơn 60 dân tộc thiểu số. Tộc người Lào Lum, những cư dân đầu tiên ở Lào, chiếm khoảng một nửa dân số trong nước.
Có 4 nhóm ngôn ngữ dân tộc chính ở Lào: tộc Lào Lum là những cư dân ở đồng bằng, tộc Lào Tai (Lào Tày hay Thái) sinh sống ở những thung lũng trên vùng cao, tộc Lào Theung (Lào Thơng) cư trú ở các sườn núi và thung lũng và tộc Lào Soung (Lào Xủng) là những cư dân miền núi, họ sống trên những vùng có độ cao trên 900m. Ngôn ngữ chính thức và chi phối là tiếng Lào, một kiểu phát âm của nhóm ngôn ngữ Thái. Người Lào vùng trung và cao nguyên nói tiêng của tộc người mình.
Thuật ngữ Lào không nhất thiết phải chỉ đến ngôn ngữ, dân tộc Lào hay tập quán của người Lào mà nó bao hàm ý nghĩa chính trị nhiều hơn. Nó có thể bao hàm cả các sắc tộc không phải là người Lào gốc nhưng đang sinh sống ở Lào và là công dân Lào. Tương tự như vậy, từ Lào có thể chỉ đến những người hay ngôn ngữ, văn hoá và ẩm thực của những người thuộc sắc tộc Lào đang sinh sông ở vùng Đông Bắc Thái Lan.
Tôn giáo chính của Lào là Phật giáo nguyên thuỷ, cùng với những điểm chung của thờ cúng linh vật trong các bộ lạc miền núi là sự cùng tồn tại một cách hoà bình của thờ cúng tinh thần. Có một số ít người theo đạo Kitô và đạo Hồi.
Kinh tế
Sản phẩm nông nghiệp chiếm khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội và sử dụng 80% lực lượng lao động. Gạo là lương thực chính của người Lào. Bên cạnh đó, Lào còn chú trọng phát triển những nông sản quan trọng khác như ngô, lúa mì, khoai, đậu nành, trái cây, rau củ… và chăn nuôi gia súc nhất là trâu, bò và lợn.
Bên cạnh đầu tư phát triển nông nghiệp, chính phủ Lào rất quan tâm đến việc xây dựng một nền kinh tế đa dạng với các ngành nghề sử dụng những tài nguyên trong nước như khai khoáng, năng lượng, lâm nghiệp, thương mại và đặc biệt là du lịch.
Với những nỗ lực vượt bậc, Lào đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện kể từ sau ngày cả đất nước hoàn toàn giải phóng ngày 2-2-1975. Tình hình chính trị ổn định, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, kinh tế Lào tăng trưởng nhanh hàng năm, năm 2005 đã đạt mức tăng 7,2%- Lào đã mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều nước, có quan hệ buôn bán với hơn 50 nước trên thế giới.
Văn hoá
Phật giáo Tiểu thừa đã ảnh hưởng và uốn nắn tính cách người Lào một cách mạnh mẽ hơn bất cứ một thế lực nào khác. Tiểu thừa có nghĩa là “giáo lý của các trưởng lão”. Các tín đồ Phật giáo Tiểu thừa cho rằng Phật giáo của họ tinh tuý hơn Phật giáo Đại thừa rằng họ phải tuân thủ nghiêm ngặt những giáo huấn của Đức Phật trong Tam tự kinh hơn phái Đại thừa. Hiện nay ở Lào ước tính có khoảng 18.000 tín đồ Thiên Chúa giáo. Đa số là những người học tại các trường Pháp ở lại sau 1975 và một số sắc dân miền núi theo tín ngưỡng vật linh được cải đạo. Đạo Hồi có rất ít ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân Lào. Chỉ có khoảng 200 tín đồ Hồi giáo sống ở Viêng Chăn và Savannakhet.
Mỗi dân tộc ở Lào đều có những trang phục truyền thống khác nhau. Trang phục của người dân miền núi, nhất là của phụ nữ giúp ta dễ dàng phân biệt tộc người này với tộc người khác. Trong nhiều trường hợp, tên gọi của bộ tộc được đặt theo màu sắc và kiểu cách trang phục của họ như Hmông Đen, Hmông Trắng… Bạc được tất cả các dân tộc miền núi coi là vật có giá trị và quý hiếm. Mặt dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn, vòng cổ, lắc che ngực… tất cả đều sáng loáng, nổi bật khi kết hợp với quần áo màu đen đỏ và chàm. Một số dân tộc còn dùng những đồng tiền cổ bằng bạc làm bông tai, vòng đeo cổ hay để trang trí đường viền cho chiếc khăn choàng đầu và mép váy. Nút áo làm từ đồng xu bằng bạc cũng là vật trang trí quan trọng trong trang phục của người miền núi.
Mặc dù có nguồn gốc từ các nước láng giềng, nền văn hoá Lào được nhìn nhận là khác biệt so với nền văn hoá của các nước khác ở Đông Nam Á. Lào có nền nghệ thuật kiến trúc, âm nhạc, chữ viết, ngành thủ công, y phục và phong tục riêng. Một di tích của nền văn hoá Lào cổ còn lại đến ngày nay là Cánh đồng Chum.
Ở Lào hàng năm có hàng chục ngày hội lớn, lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành tục lệ gọi là “hípxítxỏng” nghĩa là tục tổ chức 12 ngày hội trong một năm. Có tháng như tháng 3, tháng 12 có đến 2 ngày hội. Theo lịch Phật, các ngày hội ở Lào được lần lượt tổ chức như sau:
- Tháng giêng: Hội cúng các thần linh, các loại ma lành, ma dữ.
- Tháng 2: Hội vía lúa.
- Tháng 3: Hội mừng ngày đắc đạo của Phật tổ, hội lúa mới.
- Tháng 4: Hội Phật Vết Xẳnđon.
- Tháng 5: Hội năm mới.
- Tháng 6: Hội pháo thăng thiên.
- Tháng 7: Hội tống ôn.
- Tháng 8: Hội vào chay.
- Tháng 9: Hội cúng các oan hồn.
- Tháng 10: Hội chúng sinh.
- Tháng 11: Hội mãn chay.
- Tháng 12: Hội dâng vải vàng và các đồ dung cho tăng lữ.
Cảnh quan du lịch
Lào có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, rừng nguyên sinh bạt ngàn, nhiều thác nước kỳ thú, nhiều khu chùa lớn ở Luang Phrabang, Viêng Chăn; có Cánh Đồng Chum bạt ngàn chum đá lớn, nhỏ và có nền văn hoá đặc sắc của 49 bộ tộc sinh sống, đã thu hút hơn 3,65 triệu lượt người nước ngoài đến tham quan, du lịch trong 5 năm qua. Năm 2005 ngành du lịch Lào đón hơn 1 triệu lượt du khách, đạt doanh thu hơn 130 triệu USD, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.
Lào là đất nước của những ngôi chùa, tổng cộng cả nước có tới 1400 ngôi chùa. Khi đến Viêng Chăn du khách nên viếng thăm một số cảnh chùa nổi tiếng như cảnh quan That Luang và chùa Phra Keo, chùa Ông Tự, chùa Si Mương, quần thể hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại trong vùng Thà – Dừa, gân cầu hữu nghị Lào – Thái. Ở Viêng Chăn có một ngôi chùa Việt tên là Bàng Long khá nguy nga…
Đến Luông Phrabang du khách có thể đi tham quan những thắng cảnh tự nhiên như Thác Kuang Si, ngọn núi Phou Si và những di tích văn hóa: Bảo tàng cung diện hoàng gia, chùa Wat Aham, Wat That Luang, Wat Manorom, Wat Xieng Muan, Wat Xieng Thong…
Khác với Viêng Chăn và Luông Phrabang, Xiêng Khoảng nằm ở hướng Đông Bắc Lào, cách Viêng Chăn 435km, với địa thế núi non trùng điệp. Xiêng Khoảng ngự trị trên độ cao từ 1500 đến 2000m do đó khí hậu quanh năm mát mẻ. ở Xiêng Khoảng có hai nguồn nước nóng (tới 60°C) là Bò Nhày (nguồn lớn), Bò Nỏi (nguồn nhỏ) thuộc Mường Kham. Suối nước nóng ở đây có thể trị được một số bệnh, nhất là bệnh ngoài da. Đặc biệt ở đây có Cánh Đồng Chum là di sản văn hoá nổi tiếng ở Lào.
Khi đến Nam Lào, du khách sẽ được tham quan Wat phou, di sản văn hoá thế giới được xây dựng trước cả Ăngkor với bao điều kỳ thú và hấp dẫn. Ngoài ra, nơi đây còn có thác nước Khonephapeng lớn nhất Đông Nam Á, rừng nguyên sinh hoang dại, hiền hoà, bẽn lẽn và quyến rũ như những thiếu nữ miền sơn cước…
Đặt tour du lịch Lào ngay hôm nay!
Nguồn: Tổng hợp.