Nếu có dịp du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách không nên bỏ qua cơ hội du ngoạn trên tuyến đường sắt Đà Lạt –Trại Mát, để hòa mình vào không gian thơ mộng, cổ kính và trải nghiệm cảm giác “hỏa xa” của người Việt cách đây gần một thế kỷ.
Trong quá trình khai thác thuộc địa, Pháp đã xây dựng ở Việt Nam một tuyến đường sắt dài 84 km Đà Lạt – Tháp Chàm (tuyến đường sắt này nằm trong chương trình đường sắt Đông Dương của toàn quyền Pháp – Paul Doumer). Năm 1928, nhà ga Đà Lạt do 2 kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron cùng thiết kế cũng được khởi công xây dựng. Năm 1936, tuyến tàu lửa Đà Lạt – Tháp Chàm bắt đầu đi vào hoạt động. Hành trình từ Tháp Chàm lên tới Đà Lạt, tàu sẽ đi qua 9 ga với độ cao tăng dần từ 0-1.500m với nhiều cung đường, hầm xuyên núi quanh co, phức tạp, độ dốc lớn, nhiều đoạn tàu phải chạy trên những đường sắt răng cưa (tàu leo núi).
Sau khi được đưa vào vận hành, tuyến đường sắt này đã thể hiện được vai trò to lớn của nó trong việc trung chuyển khách và hàng hóa từ khắp nơi đến Đà Lạt và ngược lại. Tuy nhiên, từ năm 1972, chiến tranh ác liệt đã phá hủy nhiều đoạn đường trong tuyến nên tuyến tàu này bắt buộc phải dừng hoạt động. Cho đến ngày nay, Đà Lạt chỉ khôi phục được một đoạn tàu dài 7 km từ ga Đà Lạt đi Trại Mát và chỉ để phục vụ cho du lịch. Tại ga Đà Lạt, du khách còn được ngắm nhìn những kỷ vật còn lại của tuyến đường sắt huyền thoại một thời với 2 đầu toa máy xe lửa, một đầu máy hơi nước đã ngừng hoạt động và để cho khách thăm quan, đầu còn lại là máy đi-ê-zen cùng 4 toa tàu phục vụ khách du lịch.
Tuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát, để lại cho du khách nhiều ấn tượng khó quên về không gian thiên nhiên thơ mộng và cổ kính. Do được người Pháp xây dựng nên ga Đà Lạt mang phong cách, kiến trúc Châu Âu. Ga có 3 mái hình chóp, lợp ngói đỏ vươn cao lên bầu trời xanh tựa như đỉnh Langbiang hùng vĩ, một chiếc đồng hồ lớn đặt trên đỉnh tháp giữa dừng lại ở mốc thời gian 17 giờ 50 phút. Kiến trúc và nội thất bên trong nhà ga được giữ lại nguyên vẹn: từ gạch lót sàn, ghế chờ, phòng bán vé, trần ga, ô kính màu cho tới những dòng chữ quốc ngữ “cáo thị giờ tàu”, “lý trình hỏa xa”. Chiếc đồng hồ của nhà ga đã dừng lại và du khách khi đến đây cũng như cảm nhận được thời gian đã dừng với đầu máy chạy hơi nước màu đen cũ kỹ, toa tàu thô sơ, dãy nhà kho, chốn nghỉ qua đêm của hành khách cũng đã phủ màu rêu phong.
Trên chuyến hành trình ngược thời gian để trở về với nét đẹp cổ xưa của phố núi du khách sẽ cảm nhận được dòng thời gian đang chạy ngược. Con tàu khởi động với một tiếng hú dài, rồi chậm dãi chuyển bánh đưa du khách về phía ngoại ô thành phố Đà Lạt. Dọc đường là màu vàng rực rỡ của những bông dã quỳ trong nắng thu, hay sắc hồng phấn của những cánh anh đào mùa xuân; rồi những hình ảnh cổ kính của một Đà Lạt xưa, những ngôi nhà gỗ màu xám ẩn hiện trong những khu vườn xanh mát, những thung lũng phủ đầy sương sớm hay những rừng thông xanh ngắt. Cuối con đường là một nhà ga nhỏ nhoi, đơn côi cũ kỹ như nó đã từng tồn tại cách đây cả thế kỷ. Điểm cuối cùng của tuyến đường sắt 7 km ấy là Trại Mát, đến đây bạn có thể thỏa thích khám phá chợ Trại Mát, ngắm nhìn kiến trúc độc đáo từ mảnh sành sứ vỡ của chùa Linh Phước, hay thăm quan những vườn rau, vườn hoa ôn đới của nông dân Đà Lạt. Khi đã cảm nhận được hết cái đẹp của Trại Mát thì con tàu lại đưa bạn trở lại nơi xuất phát.
Đến Đà Lạt để nghỉ dưỡng, để thăm thú cái cảnh sắc nơi đây, tận hưởng những không gian hiện đại thì quả thực bạn sẽ chưa hiểu hết về thành phố ngàn hoa này. Bạn nên mua cho mình một tấm vé tàu Đà Lạt – Trại Mát để ngược thời gian để cảm nhận những nét Đà Lạt xưa, những điều đã làm cho Đà Lạt nay hấp dẫn và đẹp hơn bao giờ hết.