Quần thể di tích cố đô Huế nằm ở bờ Bắc sông Hương với diện tích trên 500ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ (Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành) với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô là Ngọ Môn. Khu vực Kinh Thành và Hoàng Thành trước đây vốn là khu vực hành chính tối cao của triều đình nhà Nguyễn. Còn Tử Cấm Thành là nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.
Xuyên suốt cả ba toà thành là con đường Thần Đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan trọng nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, điện Thái Hoà, điện cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… tất cả được bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên của dòng Hương Giang và núi Ngự sẽ tạo cho du khách một cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát.
Khi du lịch Huế, đến với quần thể di tích cố đô Huế, du khách có dịp tham quan những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mở, Trường Ninh, Thiệu Phương… cùng những thành quách, cung điện nguy nga, tráng lệ. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hoá độc đáo, du khách còn được tham quan đàn Nam Giao – nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc – nơi thờ thần đất, thần lúa; Văn Miếu – nơi thờKhổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu – nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên tiến sĩ võ; điện Hòn Chén – nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y Na…. và rất nhiều những thắng cảnh nhiên thiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận…, thực sự là một bức tranh non nước tuyệt mỹ.
Đến với di tích cố đô Huế du khách còn được tham dự những lễ hội cung đình và lễ hội dân gian như: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa… Gắn liền với. các loại hình lễ hội là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ như nhã nhạc cung đình, những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những câu hò Huế…
Đặc biệt khi du lịch Huế, du khách có dịp thưởng thức những món ăn mang phong cách Huế gồm cả những món ngự thiện của các vua triều Nguyễn và những món ăn dân giã được chế biến khéo léo, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn. Du khách còn có thể ghé thăm các làng nghề, phố nghề đang lưu giữ hàng trăm nghề thủ công gia truyền, trong đó có nhiều sản phẩm mà ngày nay bằng công nghiệp hiện đại vẫn không sản xuất được.
Chứa đựng một di sản văn hoá vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc tuý của dân tộc, di tích cố đô Huế xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1993 và trở thành niềm tự hào của người dân Huế và đất nước Việt Nam.