Năm nay, lễ hội Kate của đồng bào Chăm ở Bình Thuận sẽ được tổ chức trong hai ngày 29 và 30/9 tại di tích tháp Chăm Pôshanư Phan Thiết (với địa chỉ tại khu phố 5, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, Bình Thuận) với nhiều hoạt động đặc sắc đậm đà bản sắc văn hóa Chăm.
Lễ hội được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của đồng bào Chăm, nhưng cũng là dịp để nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm có cơ hội được phát huy, nối truyền và cũng là một sự kiện để thúc đẩy thu hút khách du lịch.
Cũng như những lễ hội cổ truyền của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội này cũng có 2 phần chính là phần lễ và phần hội, cả hai phần này đêu có những hoạt động văn hóa phong phú và hấp dẫn. Chương trình tổ chức phần lễ năm nay sẽ do các chức sắc tôn giáo người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành theo đúng phong tục tập quán, nghi thức truyền thống.
Phần lễ mở màn là nghi thức cúng Cầu an tại tháp chính do các chức sắc của tôn giáo Bani và Balamon thực hiện. Phần lễ chính long trọng nhất sẽ được tổ chức vào ngày 30/9 gồm: nghi lễ chào mừng Lễ hội Katê 2016, sau đó là nghi thức truyền thống như lễ phục, kiệu rước, nghinh, thỉnh và rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư từ sân lễ lên Tháp chính.
Trong phần lễ cũng thực hiện một số nghi lễ khác như: nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Katê trước tháp chính.Để tăng thêm phần hấp dẫn của lễ hội, các chương trình phần hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa sẽ được tổ chức xen kẽ với các chương trình phần hội.
Cũng trong chương trình lễ hội, du khách còn được tận mắt chứng kiến những tác phẩm trong cuộc ti trưng bày và trang trí lễ vật và xếp đặt đĩa cổ bồng dâng cúng Nữ thần từ các nghệ nhân tại các huyện Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong.
Vào buổi tối ngày, tại sân khấu chính sẽ có chương trình: giao lưu văn nghệ với các tiết mục ca, múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và giới thiệu trang phục dân tộc Chăm do Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình, Đội Văn nghệ dân gian Chăm Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong biểu diễn.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa nghi thức, lễ hội Kate còn là dịp để giới thiệu ẩm thực Chăm, cũng như biểu diễn nghề dệt và nghề gốm truyền thống. Các chương trình giao lưu văn nghệ (thổi kèn Saranai, đánh trống Paranung, múa truyền thống Chăm,..) và các trò chơi dân gian (đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu,…) cũng được tổ chức phục vụ nhân dân địa phương và du khách.
Lễ hội Kate 2016 không chỉ là dịp mà bạn được trải nghiệm không gian văn hóa Chăm qua sự tái hiện từ các nghi thức cúng lễ, dịp mà bạn được thăm quan di cụm tích tháp Chăm Pôshanư với những một kiến trúc nghệ thuật độc đáo hay tìm hiểu về sự tích Lầu Ông Hoàng, lựa chọn mua sắm những món quà thủ công mỹ nghệ dân gian Chăm độc đáo, tranh cát, triển lãm ảnh nghệ thuật về thành phố Phan Thiết.