Vị trí địa lý
Ấn Độ có tên cổ là Thiên Trúc, Quyên Độc, là một quốc gia Nam Á, chiếm hầu hết tiểu lục địa Ấn Độ. Ấn Độ có ranh giới với Pakistan, Trung Quốc, Myanma, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Afghanistan. Ấn Độ có dân số đứng thứ 2 và có diện tích đứng thứ 7 trên thế giới.
Thủ đô của Ấn Độ là New Delhi. Lãnh thổ Ấn Độ nằm trên Mảng kiến tạo Ấn Độ, với tổng diện tích là 3.287.590km2. Các bang phía Bắc và phía Đông Bắc Ấn Độ nằm trên dãy Himalaya. Phần còn lại c phía Bắc, Trung và Đông Ấn gồm đồng bằng Ấn – Hằng phì nhiêu, ở phía Tây, biên giới phía Đông Nam Pakistan là sa mạc Thar. Miền Nam bán đảo Ấn Độ gồm toàn bộ đồng bằng Deccan, được bao bọc bởi dãy núi ven biển, Tây Ghats và Đông Ghats.
Ấn Độ là nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn, gồm sông Hằng, Brahmaputra, Yamuna, Godavari, Kaveri, Narmada và Krishna. Ấn Độ có ba quần đảo: Lakshadweep ngoài khơi bờ biển Tây Nam, quần đảo Andaman và Nicobar dãy đảo núi lửa phía Đông Nam và Sunderbans ở vùng châu thổ sông Hằng ở Tây Bengal.
Khí hậu Ấn Độ biến đổi từ nhiệt đới ở phía Nam đến ôn hoà ở phía Bắc, các vùng phía Bắc có độ cao lớn thường có tuyết rơi trong thời gian dài. Khí hậu Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn từ dãy Himalaya và sa mạc Thar. Núi Himalaya cùng với dãy núi Hindu Kush ở Pakistan là một tấm chắn tự nhiên ngăn gió lạnh từ Trung Á thổi tới khiến cho đa phần lục địa Ấn Độ ấm hơn hầu hết các nơi khác có cùng vĩ độ. Sa mạc Thar khiến cho gió mùa Tây Nam mang theo nhiều hơi ẩm vào trong lục địa An Độ gây ra mưa từ tháng 6 đến tháng 9.
Khí hậu đa dạng chính là lý do khiến cho Ấn Độ được liệt vào các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, cả về số lượng loài và số lượng cá thể. Số lượng động thực vật ở tiểu lục địa Ấn Độ chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau toàn Châu Phi, và có nhiều loài chỉ có mặt ở nơi đây. Ấn Độ là quê hương của hơn 3000 hổ Bengal, 10.000 voi Châu Á và khoảng 8000 con bò tót, những loài động vật quý hiếm bậc nhất trên thế giới hiện nay.
Đặc điểm dân cư
Ấn Độ là nước đông dân thứ hai trên thế giới. Năm 2006 Ấn Độ có khoảng 1,19 tỷ người. Hầu hết dân cư của Ấn Độ sống tại các vùng nông thôn (70%). Vùng thành thị đông dân nhất là Mumbai, Kolkata, Delhi, Chennai và Bangalore.
Dù người dân Ấn Độ chủ yếu theo Hindu giáo (80,5%) nhưng An Độ cũng là nước có số lượng tín đồ Hồi giáo đứng thứ ba thế giới (13,4%). Các nhóm tôn giáo khác gồm Thiên Chúa giáo (2,3%), đạo Sikh (1,84%), Phật giáo (0,76%), Giana giáo (0,40%), đạo Do Thái, đạo thờ lửa và Bahai.
Về ngôn ngữ: số lượng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Ấn Độ ước lượng lên tới 1652 ngôn ngữ khác nhau. Đa số những ngôn ngữ đó xuất phát từ hai nhóm ngôn ngữ chính: An Aryan (có 74% dân số sử dụng) và Dravidian (có 24% dân số sử dụng); 2% còn lại dựa trên các nhóm Nam Á và Tạng – Miến. Tiếng Hindi và tiếng Anh được dùng làm ngôn ngữ chính thức của Chính phủ, và trong giáo dục cao học, 21 ngôn ngữ khác cũng được coi là chính thức.
Kinh tế và văn hoá
Về kinh tế: Nếu tính theo sức mua ngang giá thì Ấn Độ là nền kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới, với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 3,63 nghìn tỷ. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái với USD thì An Độ là nền kinh tế lớn thứ mười hai thế giới với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 775 tỷ (năm 2005). Ấn Độ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 8,1% à cuối quý đầu tiên năm 2005 – 2006. Tuy nhiên, do dân số quá lớn đã khiến cho thụ nhập bình quân trên đầu người ở Ấn Độ vẫn còn thấp và nước này vẫn được xếp vào hạng nước đang phát triển.
Lực lượng lao động của Ấn Độ hết sức đông đảo, với 496,4 triệu người trong đó nông nghiệp chiếm 60%, công nghiệp 17% và dịch vụ 23%. Những năm gần đây, Ấn Độ đã lợi dụng được số lượng đông đảo dân số có trình độ học vấn cao, thành thạo tiếng Anh để phát triển kinh tế đất nước. An Độ cũng là một nước xuất khẩu hàng đầu về nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm, tài chính và chế tạo phần mềm. Ấn Độ cũng đã đạt được khá nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Về văn hoá: Ấn Độ có một di sản văn hoá phong phú và đặc trưng duy nhất, và họ luôn tìm cách giữ gìn những truyền thống của mình trong suốt quá trình lịch sử trong khi vẫn hấp thu các phong tục, truyền thống và tư tưởng cả từ phía những kẻ xâm lược và những người dân nhập cư. Những công trình nổi tiếng như Taj Mahal và các công trình kiến trúc có ảnh hưởng Hồi giáo là di sản từ triều đại Mughal. Chúng là kết quả của một truyền thống hợp nhất mọi yếu tố từ mọi phần của quốc gia.
Ẩm thực Ấn Độ rất đa dạng, hương vị và cách chế biến khác biệt theo từng vùng. Gạo và bột mỳ là hai thực phẩm chính của nước này. Ấn Độ nổi tiếng về số lượng các món chay và không chay. Thực phẩm nhiều gia vị và đồ ngọt rất phổ biến ở Ấn Độ.
Trang phục truyền thống tại Ấn Độ khác biệt rất lớn theo từng vùng về màu sắc và kiểu dáng, và phụ thuộc trên nhiều yếu tố, bao gồm cả khí hậu. Các kiểu trang phục dân dã gồm sari truyền thống cho phụ nữ và dhoti truyền thống cho nam giới.
Ấn Độ là đất nước có nhiều lễ hội. Vì là quốc gia đa tôn giáo Ấn Độ có các lễ hội rất đa dạng, nhiều lễ hội dành cho mọi thành phần xã hội. Các lễ hội nổi tiếng và có nhiều người tham gia nhất gồm các lễ hội Hindu tại Diwali, Holi, Pongal và Dussehra và lễ hội của người Hồi giáo ở Eid.
Một số lễ hội được tổ chức đa phần giống nhau tuy nhiên, chúng được gọi theo những cái tên khác nhau tuỳ theo vùng hay có thể được tổ chức dưới hình thức khác biệt. Mọi lễ hội đều được chào mừng theo một kiểu duy nhất.
Cảnh quan du lịch
Phong cảnh Ấn Độ với nhiều nét tương phản trải dài từ những rặng núi, sa mạc tuyết phủ và những bãi biển với hàng cọ xanh cho đến các khu nghỉ mát vùng đồi núi yên tĩnh, những kỳ quan kiến trúc và những cảnh đẹp kỳ lạ. Đền thờ Taj Mahal lãng mạn, chợ mua bán lạc đà Rajasthan đầy màu sắc, những pháo đài cổ và tàn tích đầy ấn tượng, tất cả những nét đẹp này đã biến An Độ trở thành xứ sở của cảnh đẹp và những thanh âm.
Đến với Ấn Độ, du khách không chỉ chiêm ngưỡng các khu thánh tích nguy nga, cổ kính ở bên vịnh Bengal mà còn được đắm mình trong không gian yên tĩnh, thần bí của những ngôi làng với các kiến trúc Phật giáo ở Sanchi; hay những hang động tuyệt mỹ nằm sâu dưới lòng đất và trong các thung lũng ở thành phố Aurangabad. Đến tu viện Nalanda, mặc dù hiện nay đã bị tàn rụi nhưng vẫn cho du khách hình dung được quang cảnh sầm uất, phồn thịnh đông đúc về cảnh sinh hoạt của hàng chục ngàn tăng sĩ cách đây mấy thế kỷ. Hay hang động Elephata ở thành phố Mumbai có nhiều kiến trúc chạm khắc tinh xảo trong lòng hang đá xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8, ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một kiệt tác nổi tiếng thế giới trong hốc đá đó là tượng thần 3 mặt Marhesmurty cao 5m. Du khách có thể đến đây bằng tàu thủy cao tốc đi từ bến Khải Hoàn Môn.
Bạn đang quan tâm tới thông tin du lịch Ấn Độ?