Vị trí địa lý
Myanma (Myanmar) còn có các tên cũ là Miến Điện (Burma) hay Diến Điện, tên đầy đủ là Liên bang Myanma là một quốc gia ở Đông Nam Á, Tây Bắc bản đảo Trung-Ấn. Myanma có tổng diện tích 678.500km2, đứng thứ 39 trên thế giới và là nước có diện tích lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á.
Myanma nằm giữa khu Chittagong của Bangladesh và Assam, Nagaland và Manipur của Ấn Độ ở phía Tây Bắc. Nó có đường biên giới dài nhất với Tây Tạng và Vân Nam của Trung Quốc ở phía Đông Bắc với chiều dài 2185km. Myanma giáp biên giới với Lào (235km) và Thái Lan (1800km) ở phía Đông Nam. Nước này có đường bờ biển dài 1930km dọc theo Vịnh Bengal và biển Andaman ở phía Tây Nam và phía Nam, chiếm 1/3 tổng chiều dài biên giới.
Núi Hengduan Shan ở phía Bắc tạo nên biên giới với Trung Quốc. Hkakabo Razi nằm tại bang Kachin ở độ cao 5881m là điểm cao nhất Myanma. Các dãy núi Rakhine Yoma, Bago Yoma và Cao nguyên Shan nằm bên trong Myanma, cả ba đều chạy theo hướng Bắc-Nam từ dãy Himalaya. Các dãy núi phân chia hệ thống sông Myanma là Ayeyarwady, Thalwin và Sittang. Sông Ayeyarwady là con sông dài nhất Myanma (gần 2170km) chảy vào Vịnh Martaban. Các đồng bằng màu mỡ nằm ở các thung lũng giữa các dãy núi. Đa số dân cư sống trong thung lũng Ayeyarwady, nằm giữa Rakhine Yoma và Cao nguyên Shan.
Đa phần diện tích Myanma nằm giữa Hạ chí tuyến và Xích đạo. Myanma nằm trong vùng gió mùa châu Á, các vùng bờ biển của nó nhận lượng mưa trung bình năm là 5000mm trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại vùng khô, nằm ở trung tâm Myanma chưa tới 1000mm. Các vùng phía Bắc đất nước có khí hậu lạnh nhất, nhiệt độ trung bình 21°C. Các vùng duyên hải và đồng bằng có nhiệt độ trung bình 32°C.
Đặc điểm dân cư
Theo điều tra dân số năm 2004, Myanma có 54 triệu người, hiện nay có khoảng gần 60 triệu người, đứng thứ 27 trên thế giới. Mật độ dân số trung bình của Myanma là 75 người/km2, một trong những mức thấp nhất vùng Đông Nam A. Myanma rất đa dạng về chủng tộc dân cư. Người Bamar chiếm khoảng 68% dân số, người Shan chiếm 10%, người Kayin chiếm 7%, người Rakhine chiếm 4%, người Hoa chiếm 3%, người Mon chiếm 2% dân số, là nhóm người có quan hệ dân tộc và ngôn ngữ với người Khơmer; người An chiếm 2%. Số còn lại là người Kachin, Chin và các nhóm thiểu số khác.
Tiếng Myanma là tiếng mẹ đẻ của người Bamar và là ngôn ngữ chính thức của Myanma. Myanma có bốn ngữ hệ chính: Hán-Tạng, Nam Á, Tai-Kadai và Ấn -Âu. Các ngôn ngữ thuộc hệ Hán-Tạng được sử dụng nhiều nhất, chúng gồm tiếng Myanma, tiếng Karen, Kachin, tiếng Chin và tiếng Hoa. Ngôn ngữ Tai-Kadai chính là tiếng Shan. Tiếng Mon là ngôn ngữ Nam Á chính được sử dụng ở Myanma. Hai ngôn ngữ Ấn -Âu chính là tiếng Pali, ngôn ngữ dùng trong nghi thức của Phật giáo Tiểu thừa và tiếng Anh. Tiếng Myanma sử dụng nhiều từ thể hiện sự kính trọng và phân biệt tuổi tác. Xã hội Myanma truyền thống rất nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục. Bên trong các ngôi làng, giáo dục do các giáo sĩ truyền dạy thường diễn ra trong các ngôi chùa. Giáo dục trung học và giáo dục cao đẳng, đại học thuộc các trường của chính phủ.
Kinh tế và văn hoá
Về kinh tế: Myanma là một nước giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu ha. Nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Từ năm 1988, Myanma tiến hành cải cách nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ban hành luật đầu tư nước ngoài, cho phép thành lập lại các doanh nghiệp tư nhân. Từ năm 1989 đến 1996 tăng trưởng GDP lần lượt được cải thiện. Trong năm năm từ 1996 đến 2001, GDP của Myanma phát triển trung bình 6%/năm. Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2004 là 1800USD.
Sản phẩm nông nghiệp chính của Myanma là lúa, mía, dậu, lạc, ngô, vừng, bông. Sản phẩm chăn nuôi chính là bò, lợn, trâu, cừu, dê, vịt, gà. Sản phẩm công nghiệp chính là khai khoáng, thạch cao, chì, thiếc, chế biến, xi măng, phân hoá học, đường. Các sản phẩm xuất khẩu chính là nông sản, gỗ và cao su. Các sản phẩm nhập khẩu chính là máy móc và thiết bị vận tải, tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng. Hiện nay, Myanma vẫn là nước nhập siêu. Bạn hàng chính của Myanma là Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia.
Văn hoá: Mặc dù có nhiều nền văn hoá bản xứ tồn tại ở Myanma, nền văn hoá chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo và Bamar. Văn hoá Bamar từng bị ảnh hưởng từ các nền văn hoá các nước xung quanh. Nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và sân khấu. Đây là một quốc gia có đa số Phật giáo Tiểu thừa trên thế giới, những người đi tu được kính trọng trên khắp Myanma.
Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hoá. Các nhà sư dược sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ.
Văn hoá Myanmar được thể hiện rõ rệt nhất tại những ngôi làng, nơi các lễ hội địa phương được tổ chức trong suốt năm, lễ hội quan trọng nhất là lễ chùa. Nhiều làng xã ở Myanmar có quy ước, các phong tục mê tín và những điều cấm kỵ riêng.
Phật giáo tại Myanma chủ yếu là phái Tiểu thừa hoà trộn với những đức tin bản địa, 89% dân số nước này theo Phật giáo Tiểu thừa, gồm người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Hoa. 4% dân số là tín đồ Thiên Chúa giáo, chủ yếu là những cư dân vùng cao như Kachin, Chin và Kayin vì các nhà truyền giáo thường tới các vùng này. Đa số tín đồ Thiên Chúa giáo là Tin lành. Cơ đốc giáo có 1% tín đồ còn lại. 4% dân số theo Hồi giáo, chủ yếu là dòng Sunni.
Ẩm thực Myanma bị ảnh hưởng nhiều từ ẩm thực Ấn Độ, Trung Quốc, Thái và các nền văn hoá ẩm thực của các dân tộc thiểu số khác. Món chủ yếu trong ẩm thực Myanma là gạo. Mỳ và bánh mỳ cũng là các món thường thấy. Ẩm thực Myanma thường sử dụng tôm, cá, patê cá lên men, thịt lợn và thịt cừu. Thịt bò bị coi là cấm kỵ, rất hiếm khi được sử dụng.
Cảnh quan du lịch
Myanma được xem là đất Phật nên người dân hiền hoà, hiếu khách, đi đâu cũng về với Phật, dù cuộc sống còn trăm bề khó khăn.
Danh xưng “xứ sở chùa tháp” phải dành riêng cho Myanma bởi ở đây có hàng nghìn ngôi chùa. Chùa nào cũng có tháp vàng sừng sững, nhiều tháp cao trên 100m. Nền vàng rực rỡ trong nắng mai, lộng lẫy lúc xế chiều và hư ảo, lung linh vào buổi tối, đặc biệt vào các dịp trăng rằm.
Ở Myanma chùa nào cũng lớn, cũng bề thế thênh thang, lúc nào cũng tấp nập tín đồ thành tâm khấn nguyện. Shwe Dagon là chùa lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Yangon với tượng sư tử và rồng Naga khổng lồ canh giữ. Vào chùa như lạc vào thế giới Phật với gần 1000 tượng Phật lớn nhỏ, khuôn mặt đẹp đến lạ lùng. Tượng nào cũng có hồn và không tượng nào giống tượng nào. Tại Yangon còn có chùa Laba Moni, nơi có tượng Phật bằng cẩm thạch xanh tro nguyên khối cao 20m và nặng hơn 900 tấn, có chùa Kaba Aye với hàng trăm tượng Phật bằng vàng đủ kích cỡ với tâm thái khác nhau.
Đến Kanbawzathardi Palace và Musium vốn là bảo tàng và cung điện Hoàng gia từ thế kỷ 16. Mặc dù đây là khu phế tích còn sót lại nhưng nền móng cũ vẫn chứng minh được quá khứ hưng thịnh của nó. Ở Bago còn có chùa Shwe Mawdaw chùa cao tới 116m với những tượng Phật đồ sộ. Trong chùa có tượng Phật dài 55m, cao 16m. Bagan là nơi có bức tượng Phật lớn nhất Myanma, dài tới 300m, bên trong tượng là bảo tàng và Phật Pháp. Còn chùa Phật 4 mặt thì sừng sững giữa rừng cây. Đây là chùa duy nhất không có tháp.
Du khách còn có thể đi thăm thánh địa Phật giáo ở Myanma nằm ở Madalay với hàng ngàn chùa tháp. Du khách nên đi khinh khí cầu để được chiêm ngưỡng thoả thích toàn cảnh cố đô Myanma từ thế kỷ 11.
Đất nước Myanma không chỉ nổi tiếng về kiến trúc và khối lượng đồ sộ của các ngôi chùa mà còn nổi tiếng bởi các bãi biển rất độc đáo. Những bãi biển ở Myanma có lẽ là những nơi độc nhất vô nhị trên trái đất này chưa bị ngành du lịch khai phá, và điển hình nhất có lẽ là bãi biển mang tên Ngapali. Đến đó, du khách có thể thư giãn dưới bóng râm của hàng cọ, thả bộ trên dải cát bàng bạc, ngắm nhìn cư dân đánh cá buổi sớm tinh sương, hay chỉ đơn thuần là để cho những cơn gió từ vịnh Bengal thổi vào là cho tâm trí được minh tuệ.
Có thể bạn đang quan tâm tới du lịch Myanmar hay du lịch trong nước.