Mùa châu chấu hay mùa bắt châu chấu ở ngoai thành Hà Nội là một trong những hoạt động sôi nổi và mang lại thu nhập kinh tế cho người dân địa phương. Châu chấu (một số nơi gọi là cào cào) là một loài côn trùng gây hại cho nông nghiệp vậy mà nó đã trở thành món đặc sản trên bàn nhậu của nhiều người. Với mỗi kg thành phẩm châu chấu người dân sẽ thu được khoảng 300.000 đồng.
Trong những năm gần đây số lượng châu chấu đã giảm nhiều so với mọi năm trước, nhưng trong những ngày gần đây, dọc quốc lộ 21B đoạn Ba La – Tế Tiêu nhiều đàn châu chấu lớn xuất hiện khi những cánh đồng lúa bắt đầu trổ đòng.
Châu chấu khi lên bàn nhậu được gọi một cái tên mỹ miều “tôm bay”. Tuy là một loại côn trùng gây hại nhưng, những con châu chấu khi được chế biến sẽ trở nên thơm ngon, giòn và bổ dưỡng.
Hàng năm có 2 vụ thu gặt tháng 6 và tháng 10 là hai thời điểm chính người dân huyện Mỹ Đức đi bắt châu chấu. Với chiếc vợt tự chế đường kính 60 cm, người dân tại đây đi hàng chục km để tìm kiếm và bắt châu chấu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Từ 4 – 6h sáng và 14 – 18h chiều là khoảng thời gian nhiều châu chấu nhất. Khi phát hiện đàn châu chấu, người dân dùng vợt và liên tục chao qua lại để bắt gọn chúng vào trong những chiếc vợt của mình.
Một ngày 4 người đi 2 lượt sáng chiều có thể vợt được từ 5 – 7 kg châu châu tươi. Khi đem về những con châu chấu sẽ được rửa rồi đem luộc trong 5 phút để ra hết máu và được loại bỏ càng, cánh.
Làm sạch châu chấu là công đoạn cuối ngày để giữ cho thịt không bị phân hủy trong quá trình vận chuyển đến người sử dụng ngày hôm sau.
Một kg châu chấu thành phẩm có giá khoảng 300.000 đồng (so với 5 năm trước thì giá đã cao hơn gấp 10 lần).
Những con châu chấu đã làm sạch được bán tới các nhà hàng hoặc đại lý thu gom đi phân phối tại các chợ.
Nhiều người cũng tự mang châu chấu thành phẩm đi bán. Có người thu nhập lên tới cả triệu đồng cho 2 kg đặc sản này.