Đi du lịch Hà Giang, du khách không chỉ bị thu hút bởi Cao nguyên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, bị lôi cuốn bởi nét văn hóa đặc sắc trong chợ tình Khâu Vai, mà còn bởi những thuở ruộng bậc thang xanh mướt hay vàng óng đã góp phần tạo thêm vẻ đẹp cho những rẻo cao Tây Bắc. Những mảng màu sắc đan xen, những thuở ruộng bậc thang trải dài lượn sóng, người dân thân thiện vui vẻ, văn hóa vùng cao đặc sắc,… là những nét vẽ tươi màu cho mùa vàng của Hà Giang. Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì là một trong số những danh thắng đẹp tại Hà Giang đã được công nhận là di tích Quốc gia, hãy cùng Du lịch Tầm Nhìn Việt ngắm nhìn mùa vàng “óng ả” nơi rẻo cao Hoàng Su Phì (từ trung tâm TP. Hà Giang đi dọc theo quốc lộ 2 và tỉnh lộ 177 khoảng 100km là tới huyện Hoàng Su Phì).
Bản Phùng là xã biên giới của Hoàng Su Phì đã được biết đến là vùng đất sinh sống của tộc người La Chí. Tất cả các hộ dân của bản đều là người La Chí. Tộc người này thường cư trú ở những vùng đất cao 2.000m so với mực nước biển và sinh sống bằng nghề chăn nuôi, cũng như canh tác lúa nước trên những mảnh ruộng bậc thang.
760 ha trong tổng số trên 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì tại 6 xã đã được xếp hạng là di tích Quốc gia ( bao gồm Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty và Thông Nguyên).
Khi những làn gió thu se lạnh thổi, là lúc những đồi núi của Bản Phùng lại lốm đốm những thuở ruộng ngả vàng, báo hiệu một mùa lúa chín – mùa thu hoạch đã tới.
Những bé gái La Chí lấm lép bên những mảnh ruộng lúa chín vàng óng, mong chờ một mùa thu hoạch tốt để có những bữa ăn no đủ hơn.
Thuở ruộng giống như một mâm xôi đậu xanh nhiều tầng khổng lồ giữa khoảng rừng bao la. Không phải ngẫu nhiên mà những mảnh ruộng bậc thang của Bản Phùng lại được xếp hạng là di tích Quốc gia. Đó là bởi những thuở ruộng bậc thang có hình thù độc đáo trải qua rất nhiều thế hệ dày công gây dựng mới có được.
Tháng 9 là khoảng thời gian vào mùa thu hoạch, lên tới Bản Phùng ta có thể dễ dàng bắt gặp những mảnh ruộng thu hoạch sớm.Tháng 9 là khoảng thời gian vào mùa thu hoạch, lên tới Bản Phùng ta có thể dễ dàng bắt gặp những mảnh ruộng thu hoạch sớm.
Mùa thu là mùa thu hoạch, là mùa của lễ hội – những lễ hội ăn mừng mùa lúa tốt, để cảm tạ trời đất ban cho mùa màng tốt tươi, dâng lên tổ tiên những thành quả lao động vất vả. Tại sân chơi chung của xã, đồng bào La Chí tập trung lại để ăn mừng, chơi các trò chơi và mừng lễ hội Cúng cơm mới.
Trong trang phục truyền thống của tộc người mình, một cô bé người La Chí đang chơi trò chơi đu quay truyền thống, đó là một trong những trò chơi độc đáo trong các lễ ăn mừng sau thu hoạch của đồng bào nơi đây.
Hà Nội vào thu ngọt ngào vị cốm xanh thơm hương sữa, thì ở Bản Phùng cũng thoang thoảng hương thơm của những hạt cốm từ lúa nếp dẻo thơm hương rừng, đậm tình người nơi biên cương. Người La Chí cũng sử dụng gạo nếp và áp dụng quy trình riêng của mình để tạo ra những hạt cốm thơm và độ dẻo đặc trưng.
Từ trung tâm xã Bản Phùng có thể phóng tầm mắt khắp mọi hướng và bạn sẽ thấy như mình đang lạc giữa những bạc thang vàng óng trải dài xuống tận những khe suối xa xa, những bậc thang nối liền những làng này sang làng khác, nối dài nền văn hóa độc đáo tộc người, nối liền tình đoàn kết dân tộc.
Mùa vàng Hoàng Su Phì không chỉ mang lại niềm vui cho dân phượt, những người đam mê du lịch, mà nó là niềm vui, niềm hạnh phúc của đồng bào nơi đây đã có một mùa màng bội thu. Công sức của bao thế hệ lao động cần cùm sáng tạo của các tộc người nơi đây đã tạo nên những mảnh ruộng bậc thang kỳ vỹ, nơi ẩn chứa sức sống của con người, nơi mang đậm những giá trị lịch sử, văn hóa của cả một dân tộc.