Đến với đại ngàn Tây Nguyên đến với những buôn làng của những tộc người thiểu số Tây Nguyên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc nhà ở địa phương vô cùng độc đáo. Mỗi công trình thể hiện lên nét văn hóa đặc sắc và kiến trúc truyền thống ấn tượng được lưu giữ qua rất nhiều thế hệ.
1. Nhà Rông
Đến với buôn làng người Ba Na hay Gia Rai, du khách sẽ ngay lập tức bị thu hút ánh nhìn về ngôi nhà cao lớn ở trung tâm của buôn. Nhà Rông thương được thiết kế cao khoảng từ 15 – 20 m hay thậm chí có thể lên tới 30m và tất cả các vật liệu dựng nhà đều được lấy từ rừng từ những cột trụ gỗ lớn, sàn, vách làm từ tre nứa, cho tới mái nhà lợp bằng rạ hoặc cỏ. Nhà Rông càng lớn thì càng chứng tỏ sự giàu mạnh của buôn làng.
Tại sao ngôi nhà lại được làm cao như thế? Có nhiều lý do giải thích cho câu hỏi này như: thể hiện tiềm lực sức mạnh của làng, tránh thú dữ, làm điểm nhìn cho những người đi rừng bị lạc hay là cầu nối để kết nối người trần gian và thần linh,…
Là nhà sinh hoạt cộng đồng nên nhà Rông không có nhiều những dụng cụ phục vụ sinh hoạt mà chỉ có những dụng cụ để thực hiện các buổi sinh hoạt cộng đồng cũng như những vũ khí để luôn luôn sẵn sang bảo vệ làng. Nhà Rông là nơi mà các già làng kể lại cho hậu bối những sử thi, câu truyện của làng của dân tộc mình.
2. Nhà Dài
Nhà dài là kiến trúc đặc trưng của người Ê Đê. Tộc người này theo chế độ mẫu hệ nên mối người con giá trong nhà khi lấy chồng thì gian nhà sẽ được dựng lên liền kề cho cặp vợ chồng mới.
Số lượng thành viên, sự giàu có của gia đình người Ê Đê được phản ánh qua độ dài của ngôi nhà. Một vài căn nhà lớn có thể dài tới hơn 100m.
Nhà dài được dựng trên những cột gỗ thấp cùng với cầu thang đôi lên nhà đục từ những cây gỗ lớn – một dành chon nam và một dành cho nữ.
Nhà dài được chia thành các khu khác nhau dùng cho sinh hoạt chung và phòng ngủ riêng. Từ phía cửa chính đi vào là phòng sinh hoạt chung, tiếp đến là phòng ngủ của các cặp vợ chồng trong nhà ( trước một hoặc hai cửa sẽ có một bếp nhỏ để sưởi ấm) và cuối cùng là nhà bếp chung của cả gia đình. Tại phòng sinh hoạt chung luôn nhộn nhịp với những người phụ nữ dệt vải ( người Ê Đê nổi tiếng với các sản phẩm thêu kim tuyến và có màu nhuộm từ thiên nhiên) và những người đàn ông thì chế tạo nông cụ.
3. Nhà Mồ
Các tộc người Việt nam đều có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhưng mỗi nơi mỗi khác và đặc biệt không có nơi nào thực hiện nghi thức này cầu kỳ hơn người Gia Rai. Đám tang đối với tộc người Tây Nguyên này là vô cùng phức tạp và tốn kém.
Hầu hết các buôn của người Gia Rai đều có một nghĩa địa ở phía Tây (buôn Ma), được chia thành nhiều khu vực khác nhau. Các thành viên trong một gia đình sẽ được an táng tại cùng một ngôi mộ.
Người mất sau khi đã an táng thì chưa được dựng nhà mồ mà phải chờ thời gian nuôi mả (người thân của người mất sẽ ngày ngày ra mả để để khóc lóc, kể chuyện đút cơm cho người đã mất qua một ống nhỏ được thông xuống mả). Sau một thời gian dài gia đình đã đủ điều kiện thì mới mổ trâu làm lễ bỏ mả cho người đã mất.
Các ngôi nhà mồ được dựng lên hết sức cầu kỳ với những bức tượng gỗ miêu tả cuộc sống sinh hoạt của người đã khuất khi còn sống được đặt xung quanh nhà mồ. Mỗi bức tượng có một sắc thái và hành vi biểu hiện khác nhau ( vui, cười, khóc, giao hoan,…). Trong nhà mồ có cùng lúc nhiều thành viên trong một gia đình và họ được chôn theo những vật dụng có giá trị cũng như dụng cụ sinh hoạt hằng ngày.
Sau khi lễ bỏ mả được thực hiện xong với nghi lễ hiến trâu cho người đã khuất, nhà mồ bị bỏ hoang và khu vực này sẽ hòa lẫn với tự nhiên núi rừng.
Một chuyến du lịch Tây Nguyên sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu như du khách có thể khám phá từng nét đẹp trong văn hóa, nghệ thuật cũng như kiến trúc của các tộc người thiểu số sống tại đây.