Đặt chân đến du lịch Vũng Tàu, du khách sẽ có dịp được khám phá, trải nghiệm và hòa mình vào nhịp sống sôi động, nhộn nhịp nơi phố biển nơi đây. Là thành phố du lịch nổi tiếng cả nước, với vị trí thuận lợi nằm gần Tp. Hồ Chí Minh, dịp cuối tuần Vũng Tàu đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách ghé thăm. Hãy khám phá nét đẹp đặc trưng trong văn hóa con người Vũng Tàu qua bài viết dưới đây.
Văn hóa Vũng Tàu
Phố biển Vũng Tàu không chỉ thu hút, quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng mà còn bởi vẻ đẹp văn hóa đa dạng, phong phú ở mảnh đất này. Cuộc sống văn hóa ở phố biển Vũng Tàu từ xa xưa đã là sự kết hợp, dung hòa từ nhiều yếu tố, từ nhiều vùng miền. Qua bao tháng năm, Vũng Tàu vẫn luôn lưu giữ những truyền thống được tạo nên từ yếu tố văn hóa biển nổi bật kết hợp cùng với văn hóa bản địa đặc trưng. Tất cả tổng hòa tạo nên một dấu ấn văn hóa của riêng vùng đất này.
Từ thuở xa xưa, người dân mảnh đất này đã sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, họ thường lênh đênh trên biển cả hàng tháng ròng rã nên tín ngưỡng và văn hóa dân gian với những lễ hội đặc sắc không thể không gắn liền với biển cả. Bên cạnh phong tục thờ Thành Hoàng và các vị thần dân gian quen thuộc ở nhiều vùng nông thôn đất Việt ngày trước, người dân địa phương còn thờ cá Ông và cả những thần trong lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương nghiệp và một số thần của các dân tộc, vùng miền khác.
Lễ hội Vũng Tàu
Lễ hội Nghinh Ông
Đồng thời, lễ hội Nghinh Ông cũng được tổ chức hàng năm với quy mô lớn vào ngày 16-18/8 âm lịch. Lễ hội là nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển với những hoạt đông đặc sắc như hát bả trạo, hát bội, diễn tuồng. Lễ hội Nghinh Ông là dịp cúng tế thần biển để ngư dân dâng lên ý nguyện cầu an và thể hiện tấm lòng biết ơn đối với vị cứu tinh của họ. Nghi thức tiến hành cúng tế cũng có những đan xen từ những nghi thức truyền thống cung đình và đền miếu.
Bên cạnh đó, phố biển Vũng Tàu còn có lễ giỗ Đức Thánh Trần, lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, lễ hội Trùng Cửu. Những lễ hội này đều được các thế hệ con cháu lưu giữ qua nhiều thế hệ, góp phần tô điểm bản sắc văn hóa đặc sắc của phố biển. Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội là dịp để người dân và du khách được vui chơi, giải trí với các hoạt động đa dạng như hát hò khoan - chèo cạn, trò múa bông - mâm ngũ sắc, đua ghe, đua thuyền thúng, hát bả trạo và múa lân, múa rồng như các vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần
Người xưa đã từng nói “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” – câu nói như để nhắc đến ngày giỗ của hai vị tiền nhân Đức Thánh Trần và thánh Mẫu Liễu Hạnh. Như để bày tỏ lòng tri ân tới vị anh hùng của dân tộc – Hưng Đạo đại vương, cứ đến ngày 20/8 hàng năm tại thành phố Vũng Tàu người dân lại tổ chức nghi lễ tưởng nhớ công ơn của ngài tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Nằm ở địa chỉ số 68 đường Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu, mỗi năm đến dịp, người dân Vũng Tàu lại nô nức ghé thăm đền thờ để tham gia lễ tổ chức. Lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức với các nghi lễ mang đậm nét truyền thống, đã được bảo tồn và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Hiện nay lễ giỗ thường được tổ chức trong ba ngày, với ngày kết thúc vào 21/8 Âm lịch.
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành
Nằm bên trái khu di tích đình thần Thắng Tam, trên đường Hoàng Hoa Thám, Tp. Vũng Tàu, Miếu Bà Ngũ Hành đã trở thành địa điểm thăm quan Vũng Tàu không thể bỏ qua của nhiều du khách. Hàng năm, Miếu Bà Ngũ Hành tổ chức nhiều ngày cúng lễ, trong đó ngày lễ lớn nhất và hấp dẫn nhất được đông đảo du khách quan tâm là lễ hội Cúng Bà – Nghinh Bà diễn ra trong 3 ngày, từ 16 – 18/10 Âm lịch.
Lễ hội Trùng Cửu
Được tổ chức nhằm cầu mong mọi người được mạnh khỏe an khang, lễ hội Trùng Cửu được diễn ra hàng năm vào đêm mùng 8 và ngày 9/8 Âm lịch. Lễ hội Trùng Cửu vốn do những người theo đạo Ông Trần tổ chức vì vậy hàng năm cứ đến dịp này, họ lại cùng nhau tề tựu nhớ đến công lao của Ông Trần và lập lễ cầu cho quốc thái dân an.
Lễ hội mặc dù không tổ chức đám rước linh đình, cờ quạt lộng lẫy choáng ngợp như các lễ hội khác, nhưng được tổ chức linh đình và vô cùng trang nghiêm, thể hiện đậm nét văn hóa của đạo Ông Trần. Lễ hội Trùng Cửu thường được tổ chức tại nhà lớn Long Sơn.
Con người Vũng Tàu
Phố biển Vũng Tàu là một trong những thành phố du lịch biển nổi tiếng ở đất Việt và ngày càng chuyển mình trở thành đô thị năng động, nhộn nhịp và sầm uất. Thế nhưng những làng chài vẫn còn đó bên những bờ biển sóng vỗ ầm ầm mặn nồng vị biển. Đến làng chài Bến Đá - Bến Đình gần ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu trong buổi sớm tinh mơ, bạn sẽ thấy cuộc sống dân dã, mộc mạc của những người ngư dân. Người thì quăng chài lưới đánh cá gần bờ, người ra khơi và cũng có người vừa trở về mang theo tôm cá nhưng cũng có những người ngóng trông, đợi chờ những người ra khơi chưa trở về.
Cuộc sống ngư dân đã đỡ vất vả hơn trước nhưng vẫn còn bấp bênh chông gai lắm và dẫu thế thì họ vẫn luôn hướng về biển cả với tình yêu nồng nàn, chân thành từ thuở ấu thơ đến khi già yếu. Bạn có thể cùng trò chuyện về cuộc sống sinh hoạt miền biển, chia sẻ tình yêu với biển cả bao la hoặc thử trải nghiệm đánh cá trên những chuyến ra khơi gần bờ.
Ở du lịch Vũng Tàu, những giá trị văn hóa vẫn luôn được gìn giữ, những phẩm chất tốt của con người vẫn được các thế hệ sau kế thừa. Vì thế, du lịch Vũng Tàu không chỉ là dịp để bạn tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, thưởng thức đặc sản mà còn là dịp để bạn khám phá văn hóa, con người nơi đây đấy!