Nếu các tỉnh phía Bắc có văn hóa Đông Sơn, mảnh đất phía Nam sở hữu văn hóa Óc Eo thì Bình Định, vùng đất trung tâm của khu vực miền Trung cũng sở hữu một nền văn hóa xa xưa - văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Hãy khám phá văn hóa con người Quy Nhơn - Bình Định đặc sắc qua bài viết dưới đây.
Công trình kiến trúc
Ai đã một lần đến tham quan du lịch Bình Định sẽ nhớ mãi những tháp Chămpa ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc cho đến bây giờ cũng còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Chăm đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc, và dung hòa được những phong cách nghệ thuật chủ đạo của Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Với 14 ngọn tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta.
Bình Định, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, hơn 200 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn về phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn vẫn còn in đậm ở nơi đây với những di tích Điện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng đế.
Lễ hội
Bên cạnh đó, văn hóa phi vật thể ở Bình Định cũng vô cùng phong phú như các lễ hội, nghệ thuật hát bội, nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa chèo bá trạo của cư dân miền biển… Có thể nhắc tới những lễ hội mang tính chất truyền thống và dân gian như: Lễ hội chiến thắng Đống Đa, Lễ hội cầu ngư, Lễ Cúng Cá Ông, Lễ Hội Tây Sơn …và nhiều lễ hội giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số: Ba na, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định đã tạo nên bản sắc văn hoá đặc trưng chỉ có ở riêng vùng đất này. Đây là những món ăn tinh thần đặc sắc không chỉ đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản để giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước.
Văn hóa
Bình Định - Đất Thơ
Gọi Bình Định là mảnh đất của văn chương, thi ca vì nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những tâm hồn thơ, những nhà thơ lớn trong nền văn học và trên thi đàn Việt Nam.
Đó là Đào Duy Từ với những dòng thơ mang nỗi trắc ẩn bôn ba của một danh sĩ đội lốt chăn trâu, chí nam nhi thời loạn, sự thức thời trước sứ mạng vua tôi bên cạnh lẽ ứng xử trong bối cảnh một đất nước tồn vong vì họa ngoại bang. Là Đào Tấn, ông Hậu tổ của hát bội, một nhà thơ xuất sắc và nhà từ khúc lỗi lạc, rồi đất Vân Sơn với 5 cha con họ Nguyễn đều giỏi từ phú, thi ca. Là một Mai Xuân Thưởng với tiếng thơ là tiếng thốt tận đáy lòng trước lúc đầu rơi, một Tăng Bạt Hổ bôn ba trùng dương hải ngoại, là Nguyễn Bá Huân ưu thời mẫn thế, là Nguyễn Trọng Trì chí khí lắng sâu đêm nguyệt tận, là Đào Phan Duân tiết tháo, Hồ Sĩ Tạo xả thân dưới cờ nghĩa...
Trong phong trào thơ mới, mảnh đất này lại sản sinh ra những thi nhân tài hoa tuyệt vời. Đó là một Xuân Diệu với nỗi cô đơn rợn ngợp trong một biển tình lai láng, Hàn Mặc Tử những bó hoa của miền phiêu linh, Chế Lan Viên với gạch rụng sao rơi vắt ngang những ánh mắt Chiêm Thành. Và còn là thi nhân Quách Tấn với sự trang trọng và đài các của một ngọn gió Đường Thi phả trên bờ giậu lũy tre, suối ngọt mây thơm quê hương Bình Định. Là một Yến Lan cùng những tiếng gọi đò chờn vờn trong trăng lạnh...
Ở nơi đây, dường như thơ ca đã ngấm vào máu thịt, từ những người học cao hiểu rộng cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn. Điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa Bình Định đặc trưng trong bầu trời thơ ca Việt Nam với con người, non nước và truyền thống rực rỡ của thi ca.
Bình Định - Đất Võ
Bình Định là nơi hội tụ, kế thừa và phát huy cao độ những giá trị tinh hoa độc đáo của nền võ học cổ truyền Việt Nam. Kể từ khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của người anh hùng áo vải, cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, võ học Bình Định đã có bước phát triển toàn diện và từ đây địa danh Bình Định - Tây Sơn đã được gắn kết và đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt, tạo nên cốt cách niềm tự hào và những câu ca trong dân gian cũng bắt đầu được người đời truyền tụng để minh chứng cho người dân đất võ:
“Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”
Bình Định – Đất Tuồng
Nghệ thuật tuồng vốn quý của dân tộc, đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định, gắn liền với tên tuổi các nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam. Mặc dù có những biến động lịch sử, trải qua chiến tranh, con người Bình Định vẫn giữ môn nghệ thuật đặc sắc của mình và kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài để Bình Định vẫn là điểm hội tụ tài năng của nghệ thuật tuồng.
Trước đây, lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định phát triển vốn gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ - ông tổ của nghệ thuật hát tuồng tại Việt Nam và Đào Tấn.
Ðào Duy Từ được gọi là ông tổ hát bội đầu tiên của Bình Định. Ông là người có cả tài cả văn lẫn võ, được phong chức Táng tương Quân vụ. Là con của một nữ đào hát nổi tiếng ở kinh thành Thăng long, nên ông cũng là người rất sành về ca nhạc, thi thơ. Học giỏi, tài cao nhưng không được đi thi vì là con của đào hát thuộc tầng lớp "xướng ca vô loại", ông đã bỏ vào Nam thi thố tài năng sở học của mình và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông Ðào Duy Từ đã đặt các tuồng hát bội và tổ chức những đoàn hát. Với các vở tuồng rất hay đến ngày nay vẫn còn lưu truyền: San Hậu (Ông Ðình, Ðổng Kim Lân, Khương Ninh Tá), Sơn Hà Xã Tắc...
Và giữa triều Nguyễn, Bình Định lại sản sinh được một kịch tác gia về tuồng (hát bội) là ông Ðào Tấn ở làng Vinh Thạnh xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Đào Tấn sinh năm 1845, từng đậu cử nhân khoa Ðinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định. Ông cũng là một nhà nghệ sĩ tài hoa, rất sành về kỹ thuật hát bội. Đào Tấn đã là người đã lập nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định). Do đã tiếp thu được tinh hoa hát bội ở nhiều vùng nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh đã trở thành đỉnh cao nhất trong các lò đào tạo những tài năng hát bội thời ấy. Từ Học Bộ Đình Vinh Thạnh, nhiều tên tuổi lớn trong nghề hát bội ra đời, như Bát Phàn, Cửu Khi, Bầu Thơm, Bầu Chạng… Từ đó, phong trào hát bội đã phát triển rộng khắp trên khắp đất Bình Định và trở thành một trong nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Trải qua hàng trăm năm dâu bể, hát bội đã ngày càng cắm rễ trong đời sống tinh thần của người Bình Định. Không những thế, sự giao lưu, kết hợp của nghệ thuật tuồng và võ Bình Định đã đưa tuồng Bình Định lên một tầm cao mới khác lạ hơn so với các đoàn tuồng của các địa phương khác.
Hiện nay ở Bình Định, ngoài nhà hát Tuồng Đào Tấn, còn sở hữu hàng chục gánh hát bội khác ở các vùng quê. Những gánh hát bội nghiệp dư ấy vẫn thường xuyên được mời biểu diễn ở các vùng quê. Diễn viên chỉ là những anh, chị nông dân chân lấm tay bùn, chưa từng qua một lớp đào tạo chính quy nào mà chủ yếu là được cha ông truyền lại. Sau những đêm diễn ở đình làng hoặc ngoài gò, những "Quan Công", "Lữ Bố", "Điêu Thuyền"… lại trở về với con trâu, cái cày, với mảnh ruộng vườn rau, nhưng không vì thế mà họ từ bỏ niềm đam mê đối với nghệ thuật hát bội.