Bình Thuận hiện đang định hướng phát triển du lịch đến năm 2015 với các mục tiêu: thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững, thu hút du khách đến Bình Thuận ngày càng đông và xây dựng Phan Thiết sớm trở thành thành phố du lịch.
Trong đó chú trọng khai thác khách quốc tế đến lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn và tỷ lệ du khách trở lại lần thứ 3 trở lên cao hơn. Phấn đấu trong giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng về lượng khách trên 12%/năm (khách quốc tế tăng trên 15%/năm), doanh thu du lịch tăng trên 20%/năm; đến năm 2015 thu hút ít nhất 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 500.000 lượt), doanh thu đạt trên 7.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phát triển du lịch thông qua nhiều biện pháp tích cực như: không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định và giữ vững thương hiệu trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng nhất là các lợi thế so sánh hiện có của địa phương.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Bình Thuận cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Tuyên truyền giáo dục, thống nhất xác định du lịch là một trong những lợi thế, là ngành kinh tế trọng điểm mang tính tổng hợp, liên ngành, tính vùng và tính xã hội hóa rất cao; khẩn trương hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 từ đó rà soát, điểu chỉnh, bổ sung các quy hoạch các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, cần đưa ra những giải pháp phù hợp như: nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có đồng thời tích cực phát triển các sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc sắc của địa phương trên cơ sở khai thác tối đa những lợi thế về biển đảo, sông, hồ, đồi núi. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, coi trọng du lịch văn hóa - lịch sử, tạo điều kiện phát triển tour du lịch MICE. Cùng với việc đa dạng hóa và nâng chất lượng sản phẩm du lịch, cần nâng chất lượng toàn diện khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né và các khu du lịch từ phía Nam thành phố Phan Thiết trở vào.
Thời gian tới còn thường xuyên kiểm tra và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án được chấp thuận đầu tư, kêu gọi và tạo điều kiện thu hút các dự án mới với quy mô không dưới 5 ha, những tổ hợp du lịch - dịch vụ vui chơi, giải trí. Bên cạnh việc phải hết sức coi trọng nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng môi trường an toàn, văn minh, thân thiện và mến khách cần tiếp tục đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng, nâng cấp và phát huy các công trình văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề. Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, giới thiệu hình ảnh và tiềm năng du lịch trên các kênh truyền thông quốc gia và quốc tế, tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao và hoạt động lễ hội để thu hút du khách.
Cùng với việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lực phục vụ du lịch, từ nay đến năm 2015 còn phải tăng cường đúng mức công tác quản lý nhà nước về du lịch. Củng cố các Ban quản lý du lịch, kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời những thiếu sót trong hoạt động du lịch hoặc làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch giữ vững chế độ thẩm định, tái thẩm định chất lượng và xếp hạng các cơ sở du lịch.
(Nguồn: Báo Bình Thuận)