Sáng ngày 30/8/2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà".
Tham dự Tọa đàm có các đồng chí từng là lãnh đạo căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà trước đây, đại diện lãnh đạo Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng...
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, Khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà tại huyện Duy Xuyên là căn cứ địa cách mạng có tầm quan trọng đặc biệt tại khu vực Trung trung bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1967 đến năm 1975, đây là nơi đóng quân của cơ quan Đặc khu ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận 4 và các cơ quan của Đặc khu Quảng Đà để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố Đà Nẵng và các huyện Bắc Quảng Nam. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng hoạch định chiến lược và lãnh đạo đấu tranh cách mạng trong giai đoạn cam go, ác liệt nhất, đặc biệt là họp bàn kế hoạch và phát lệnh tấn công, nổi dậy giải phóng Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng mùa xuân năm 1975.
Cũng theo đồng chí, cùng với Khu di tích lịch sử cách mạng Trung trung bộ ở Nước Oa (Bắc Trà My), Nước Là (Nam Trà My), Phước Trà (Hiệp Đức), Khu di tích Tỉnh ủy Quảng Nam tại Tiên Sơn (Tiên Phước), Căn cứ Khu ủy Quảng Đà tại Duy Xuyên và Quế Sơn sẽ kết nối thành một hệ thống các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh và cả khu vực.
Với vai trò, tính chất và ý nghĩa đó, Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà hoàn toàn có đủ điều kiện để bảo tồn, phục dựng thành một khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng, một địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ. Đồng thời, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với một hệ sinh thái đa dạng, phong phú của dãy núi Hòn Tàu, nơi đây có thể quy hoạch một khu du lịch lịch sử- văn hóa- sinh thái hấp dẫn kết nối với Khu di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và mạng lưới các điểm du lịch vùng Tây Duy Xuyên của tỉnh.
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Đinh Hài - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, đã 36 năm trôi qua, Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà và cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiện nay ở Đồi Lon, điểm đóng cơ quan cuối cùng của Đặc khu ủy tại Hòn Tàu vẫn còn dấu tích nhiều bờ đá và nền nhà- nơi làm việc trước đây của Thường vụ Đặc khu ủy và các ban, ngành, đoàn thể Đặc khu. Với một diện tích khá rộng và bằng phẳng, nơi đây khá thuận lợi cho việc quy hoạch, phục dựng các hạng mục chính của di tích.
Theo đồng chí, trong tương lai, căn cứ Hòn Tàu sẽ là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng, một địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên đã có nhiều quan tâm nhằm phát huy, bảo tồn khu di tích này. Đặc biệt, năm 2008, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng Di tích quốc gia (ngày 14/7/2008). Đồng thời, Sở cũng đã làm việc với các nhân chứng lịch sử để thu thập tư liệu về hoạt động của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà trong thời gian đóng tại căn cứ Hòn Tàu. UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc Tọa đàm lần này với mong muốn tiếp tục nghe ý kiến của các nhân nhứng lịch sử, các cơ quan chuyên môn về những vấn đề: Vai trò, vị trí của Căn cứ Khu ủy Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ; định hướng quy hoạch phục dựng, bảo tồn căn cứ Đặc khu ủy...
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đề xuất các kế hoạch bảo vệ Khu di tích này gắn với làm rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa của Đặc khu ủy Quảng Đà với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung; cung cấp thêm thông tin, tư liệu về Đặc khu ủy Quảng Đà và thực trạng cũng như định hướng quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị của Đặc khu ủy Quảng Đà... Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống và liên kết với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử trong khu vực, tạo ra những chuyển biến mới trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh tại khu vực và tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng trong tương lai.
(Nguồn: ĐCSVN)