Bạn muốn chọn Hội An làm điểm dừng chân cho chuyến nghỉ ngơi của mình nhưng bạn vẫn băn khoăn đến Hội An sẽ trải nghiệm những gì để chuyến đi của mình trọn vẹn nhất, hãy để cẩm nang du lịch chia sẻ tổng hợp kinh nghiệm du lịch Hội An: ăn chơi đâu, ở chỗ nào, mua gì? cho bạn.
Thời điểm, mùa nào nên đi du lịch Hội An?
Theo kinh nghiệm du lịch Hội An thì thời gian du lịch Hội An lí tưởng nhất để tới đây là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Đây là lúc Hội An bắt đầu vào hạ, không còn những cơn mưa kéo dài và chưa có những ngày nóng oi ả. Thời tiết lúc này vô cùng mát mẻ, với những ngày nắng nhẹ thuận lợi cho du khách tản bộ ghé thăm phố cổ.
Bạn nên tới Hội An vào ngày 14 và ngày rằm hàng tháng để có cơ hội tham gia đêm phố cổ đặc trưng hấp dẫn. Vào dịp này bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn những con phố phủ kín đèn lồng, một khung cảnh Hội An đặc trưng vào những ngày lễ tết.
Chọn phương tiện di chuyển tại Hội An nào?
Phương tiện di chuyển tới Hội An
Phương tiện di chuyển tới Hội An khá đa dạng, bạn có thể tham khảo các cách thức di chuyển tới Hội An phổ biến dưới đây:
-
Máy bay
Hiện nay Hội An chưa có sân bay, sân bay gần nhất nằm ở Đà Nẵng cách Hội An 30km. Vậy nên du khách thường kết hợp chuyến đi tới Hội An của mình bằng việc dừng chân ở Đà Nẵng. Thời gian bay từ Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh tới sân bay Đà Nẵng chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Các hãng hàng không Vietnam airlines, Jetstar, Vietjet Air đều có mở đường bay thẳng tới Đà Nẵng. Nếu đã có dự định du lịch Hội An, bạn nên đặt vé sớm từ 3 đến 6 tháng để tiết kiệm hơn chi phí cho chuyến hành trình của mình.
-
Tàu hỏa
Từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đều có tuyến xe lửa đến Đà Nẵng, thời gian di chuyển khoảng từ14 - 20 tiếng. Giá vé từ 400.000 đến 1.200.000 VNĐ tùy vào loại ghế mà bạn chọn.
-
Xe khách
Từ hai thành phố lớn Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh bạn có thể ra các bến xe chọn các hãng Mai Linh, Hoàng Long, Hlink, Thuận Thảo để tới Đà Nẵng. Giá vé một lượt khoảng 400.000 - 500.000VNĐ cho 18-20 tiếng di chuyển.
Hiện nay để tới được Hội An, dù đi bằng phương tiện gì bạn vẫn phải trung chuyển qua Đà Nẵng. Sau khi tới Đà Nẵng bạn có thể chọn nhiều hình thức di chuyển như xe bus, taxi để tới Hội An. Thời gian di chuyển tới Hội An từ Đà Nẵng cũng rất nhanh, chỉ 30km. Nếu bạn đi từ Tp Hồ Chí Minh thì nên chọn xe khách đi Hà Nội, nhà xe sẽ đi qua Hội An và cho bạn dừng chân tại đó.
Phương tiện đi lại ở Hội An
Hiện nay ở Hội An cung cấp đa dạng các dịch vụ giao thông như xe bus, taxi, xe ôm, xe xích lô. Theo cẩm nang du lịch Hội An, bạn nên chọn thuê một chiếc xe đạp hoặc đi bộ để đi khám phá phố cổ Hội An.
Giá thuê xe máy từ 120.000 – 150.000VNĐ/ ngày.
Giá thuê xe đạp 30.000VNĐ/ ngày.
Du lịch Hội An đi đâu chơi gì?
6 điểm đến du lịch Hội An nổi tiếng trong phố cổ
Chùa Cầu
Đến Hội An mà không đi thăm Chùa Cầu thì chưa thể tính đã tới Hội An. Chùa Cầu là linh hồn của Hội An, nổi bật hẳn so với các danh lam thắng cảnh khác, không phải ngẫu nhiên mà nơi đây được vinh danh xuất hiện trên tờ tiền 20.000VNĐ. Chùa Cầu là ngôi chùa bắc ngang qua con lạch nhỏ giữa khu đô thị cổ Hội An. Được xây dựng từ đầu thế kỉ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản, đây là công trình duy nhất có gốc tích từ xứ sở Phù Tang trong truyền thuyết mặc dù sở hữu lối kiến trúc thuần Việt. Điểm nổi bật trong kiến trúc của ngôi chùa này nằm ở mái che độc đáo, chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo trong kiến trúc Việt – ví dụ như hình rồng, đồng thời điểm xuyết một chút phong cách Nhật Bản. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, chùa Cầu còn mang giá trị tâm linh đặc biệt. Tương truyền rằng, ngôi chùa gắn với truyền thuyết về con thủy quái ở Nhật Bản Namazu (con Cù). Con thủy quái có đầu nằm ở Ấn Độ, thân nằm ở Việt Nam còn đuôi chạy sang tận Nhật Bản. Vậy nên mỗi lần nó cựa mình, thảm họa như lũ lụt, động đất sẽ xảy ra. Do đó, người Nhật Bản xây dựng ngôi chùa với mục đích như một thanh kiếm chắn ngang lưng Amazu ngăn không cho nó cựa mình để bảo vệ cuộc sống người dân ba quốc gia được yên bình hơn.
Ngày nay, chùa Cầu như một tài sản vô giá, được chọn là biểu tượng của phố cổ Hội An. Đây là điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đi du lịch Hội An của mình.
Hội quán
Hội quán xuất hiện ở Hội An khi những người Hoa tới phố cảng làm ăn. Hội quán thực chất là một nơi sinh hoạt cộng đồng gắn kết những người Hoa tha hương lại với nhau, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngoài ra Hội quán còn là nơi thờ tự, giống miếu hay chùa ngày nay để những người Hoa thế hệ con cháu không quên nguồn cội của mình.
Thế kỉ 16, Hội An là một thương cảng vô cùng sầm uất, lúc này có khá nhiều thương nhân từ các nơi trên thế giới tới đây buôn bán. Theo dòng người đó có không ít người Hoa tới đây và chọn nơi đây làm nơi định cư lâu dài. Vì thế các Hội quán ở Hội An ra đời là lẽ tất yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng người Hoa ở đây lúc bấy giờ.
Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến được xây dựng vào thế kỉ 16, là một trong những hội quán ra đời sớm nhất ở Hội An. Hội quán Phúc Kiến không chỉ là một điểm đến đậm tính lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc tiêu biểu ở Hội An. Nơi đây được xây dựng với mục đích thờ cúng Thiên hậu Thánh mẫu (Bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt qua sóng gió đại dương) và các vị thần bảo hộ. Hội quán Phúc Kiến còn là nơi họp hội đồng hương người Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất lúc bấy giờ. Qua nhiều lần trùng tu của Hoa kiều, Hội quán Phúc Kiến ngày càng trở nên khang trang lộng lẫy hơn.
Vị trí: 46 đường Trần Phú
Hội quán Triều Châu
Hội quán Triều Châu do người Triều Châu xây dựng vào năm 1845, là nơi phục sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng khi tới Hội An sinh sống của người Triều Châu. Hội quán thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp việc buôn bán trên biển của họ được thuận buồm xuôi gió. Hội quán Phúc Kiến nổi bật với những kiến trúc chạm khắc tinh xảo cùng các họa tiết gỗ cầu kì, tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
Vị trí: 92B Nguyễn Duy Hiệu
Hội quán Quảng Đông
Hội quán Quảng Đông được Hoa kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885. Ban đầu Hội quán là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử và là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Quảng Đông. Từ sau năm 1911, hội quán chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hàng năm nơi đây có hai buổi lễ lớn. Một là vào ngày rằm tháng Giêng, hội quán tổ chức lễ Nguyên Tiêu và cúng giỗ Tiền Hiền cầu chúc một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Đây cũng là dịp hội đồng hương hội ngộ tổ chức tiệc mừng. Ngày lễ thứ hai diễn ra vào 24/6 Âm lịch, đó là ngày lễ hội vía Quan Công nhằm bày tỏ lòng thành kính đến vị tướng tài hoa này.
Nghệ thuật sử dụng gỗ đá hài hòa trong kết cấu chịu lực và trang trí công phu mang lại cho Hội quán Quảng Đông nét độc đáo riêng. Nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều hiện vật cho thấy quá trình người Hoa đến và định cư ở Hội An như thế nào.
Vị trí: 176 Trần Phú
Nhà thờ tộc Trần
Nhà thờ tộc Trần là một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Hội An với tuổi đời trên 200 năm. Nhà thờ tộc Trần do một vị quan họ Trần, tên là Trần Tứ Nhạc xây dựng năm 1802 theo lối kiến trúc phong thủy của người Hoa và người Việt. Nằm trong khu phố cổ nhưng ngôi nhà lại được xây theo kiến trúc nhà vườn với diện tích khoảng 1500 m².
Điểm nổi bật trong kiến trúc của ngôi nhà thờ này là sự giao thoa của ba nền kiến trúc: Nhật Bản – Trung Hoa – Việt Nam. Kiến trúc Nhật Bản thể hiện qua “chồng rường giả thủ” với 5 cột dọc và 3 thanh rường ngang. Năm cột dọc gọi là “giả thủ” bởi nó giống như năm ngón tay trên một bàn tay, tượng trưng cho 5 yếu tố ngũ hành: Kim, Mộc , Thủy, Hỏa, Thổ. Ba thanh rường nằm ngang giống như 3 đường chỉ chính trong lòng bàn tay, tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân. Lối kiến trúc Trung Hoa thể hiện mái vòm cong phía ngoài với tên gọi “bì cua vỏ rùa”. Người Hoa quan niệm rùa biểu tượng cho sự trường thọ còn cua biểu trưng cho sự may mắn. Cuối cùng khi bước vào bên trong nhà, bạn sẽ bắt gặp lối kiến trúc thuần Việt. Kiến trúc người Việt thể hiện ở ba cây cột có hình mũi tên và cung tên hướng lên trời bởi người Việt ta quan niệm 3 mũi tên hướng lên trời sau này con cháu làm ăn phát đạt, thịnh vượng, giàu có.
Hãy ghi ngay địa chỉ tới nhà thờ Tộc Trần cẩm nang du lịch Hội An cung cấp cho bạn dưới đây nhé: số 21 đường Lê Lợi.
Bảo tàng lịch sử - văn hóa Hội An
Nếu yêu thích lịch sử văn hóa thì đây là điểm thăm quan du lịch Hội An nổi tiếng bạn không nên bỏ qua. Bảo tàng được xây dựng từ năm 1989, trưng bày hơn 212 hiện vật bằng gốm, sứ, đồng, sắt, giấy, gỗ,… có liên quan đến các giai đoạn phát triển của đô thị Hội An từ thời kì văn hóa Sa Huỳnh tiếp nối bởi văn hóa Champa và sau này là văn hóa Đại Việt, Đại Nam. Những hiện vật được lưu giữ trong bảo tàng đã phản ánh rõ nét nhất một thời kì huy hoàng, phát triển rực rỡ của phố cảng Hội An.
Bạn có thể tìm thấy bảo tàng ở số 13 Nguyễn Huệ.
Nhà cổ Tấn Ký
Một điểm đến du lịch Hội An thú vị cho bạn ghé thăm đó chính là nhà cổ Tấn Ký. Ngôi nhà đã có tuổi thọ hơn 200 năm, là ngôi nhà cổ đầu tiên vinh danh trở thành Di sản quốc gia. Ngôi nhà cổ Tấn Ký cũng vinh dự nhiều lần đón tiếp các nguyên thủ, chính khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1741, nơi đây là nơi sinh sống của 7 thế hệ dòng họ Lê. Kiến trúc của ngôi nhà ấn tượng với những cột trụ được làm hoàn toàn bằng gỗ mít với nhiều bức hoành phi độc đáo. Ngôi nhà có hai mặt tiền, một mặt ở trên phố thuận tiện cho việc buôn bán, một mặt thông với bến sông làm nơi xuất nhập hàng hóa.
Xưởng thủ công mỹ nghệ
Đây là một địa điểm du lịch Hội lý tưởng cho du khách muốn tìm hiểu về các ngành nghề thủ công truyền thống ở Hội An như dệt vải, dệt chiếu, sơn mài, gốm,… Bạn sẽ được chứng kiến đôi bàn tay khéo léo và kỹ năng tuyệt vời của các nghệ nhân tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc và tinh xảo. Du khách có thể tham gia một vài khâu trong quá trình sản xuất. Bạn cũng đừng quên mua một vài sản phẩm về làm quà lưu niệm nhé.
Xưởng thủ công mỹ nghệ nằm tại số 9 Nguyễn Thái Học.
5 điểm đến du lịch Hội An hấp dẫn nằm ngoài trung tâm
Biển Cửa Đại
Biển Cửa Đại là một địa điểm du lịch Hội An hấp dẫn mà cẩm nang du lịch Hội An muốn gợi ý cho bạn. Biển Cửa Đại thu hút dẫn du khách với làn nước xanh ngọc bích bên bãi cát trắng mịn trải dài. Chỉ nằm cách trung tâm phố cổ Hội An 5km nên Cửa Đại luôn là sự lựa chọn cho du khách muốn kết hợp chuyến đi tới Hội An và đi tắm biển. Ngoài việc được hòa mình vào khung cảnh thiên tuyệt đẹp bạn còn có cơ hội thưởng thức những món đặc sản Hội An tươi ngon ở đây. Buổi tối ngắm cảnh đêm trên biển Cửa Đại cũng vô cùng lãng mạn, là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ.
Biển An Bàng
Một cửa biển khác chỉ nằm cách Hội An 3km mà du khách có thể tham khảo trong cẩm nang du lịch Hội An của mình là biển An Bàng. Được bình chọn trong top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á, biển An Bàng làm say đắm biết bao du khách bởi dòng nước biển trong veo và ánh nắng chan hòa trên bãi cát trắng mịn. Đi bộ trên bãi biển An Bàng bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thư thái giữa một không gian yên tĩnh, rời xa mọi bộn bề cuộc sống.
Ngoạn cảnh sông Thu Bồn
Trải nghiệm một tour du lịch Hội An dọc sông Thu Bồn là điều bạn nên bỏ túi ngay vào kinh nghiệm du lịch Hội An của mình. Bạn sẽ bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp hai bên bờ sông với những cồn cát tuyệt đẹp, cánh đồng ruộng, núi non đẹp như tranh vẽ. Đặc biệt, hoàng hôn trên sông Thu Bồn khiến mọi du khách phải xao lòng.
Bạn có thể bắt đầu chuyến tham quan dọc sông Thu Bồn từ bến thuyền trên đường Bạch Đằng, chạy một đoạn sông Hoài rồi ra sông Thu Bồn.
Đảo Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm nằm cách trung tâm phố cổ Hội An 18km, bạn chỉ mất 30 phút đi tàu cao tốc xuất phát tại cảng Cửa Đại. Nơi đây gồm 8 đảo là Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô, Hòn Mẹ, Hòn Khô Con, Hò Lá, Hòn Tai. Đến Cù Lao Chàm bạn như lạc vào một thế giới thiên nhiên hoang sơ đầy mê hoặc. Ở đây vẫn còn lưu giữ một hệ sinh học đa dạng với hệ thống rừng tự nhiên, bãi biển đẹp, rạn san hô đầy màu sắc và nhiều loại thủy quái có gái trị.
Theo kinh nghiệm du lịch Hội An thì khi tắm biển Cù Lao Chàm bạn đừng quá mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên mà để những con sứa trong veo chạm phải người nhé. Nếu không may bị va phải chúng thì bạn cũng đừng lo lắng quá, hãy lấy chính nước biển để rửa vết thương sẽ bớt đau rát phần nào. Nếu vết thương nặng hơn thì bạn nên tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý nhé.
Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An. Nguồn gốc của nghề gốm Thanh Hà bắt nguồn từ Thanh Hóa. Sau khi tiếp thu được kĩ thuật làm gốm từ Thanh Hóa, người Thanh Hà mang về phát triển nó trở thành một thương hiệu riêng cho quê hương mình. Các sản phẩm chủ yếu ở đây là đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày như bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh,… Sản phẩm gốm Thanh Hà mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt nhẹ hơn các sản phẩm tương tự của địa phương khác.
Làng gốm Thanh Hà nằm cách trung tâm phố cổ Hội An chỉ 3km về phía Tây.
Du lịch Hội An ăn gì ở đâu thì ngon?
Đến phố cổ Hội An bạn nhất định phải thử những món ăn ở đây. Ẩm thực Hội An là sự kết hơp của các hương vị truyền thống và hiện đại, của văn hóa phương Đông và phương Tây. Hãy cùng cẩm nang du lịch Hội An khám phá những món ăn hấp dẫn dưới đây nhé:
Bánh mì Hội An
Khắp nơi ở Việt Nam đều có bánh mì, nhưng chắc chắn hương vị bánh mì Hội An sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên. Món bánh mì trở thành món ăn làm nên thương hiệu cho Hội An, không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế với phần nhân bánh vô cùng đa dạng, phong phú có thể chiều lòng ngay cả những vị khách khó tính nhất. Các loại nhân thịt kết hợp với các loại rau sống, rau trộn, nước sốt đậm đà pha chế cầu kì, cắn một miếng bánh mì giòn ta khiến bạn không thể cưỡng lại muốn ăn hoài không ngán.
Hai quán bánh mì nổi tiếng nhất mà du khách có thể tham khảo khi tới du lịch Hội An là Bánh mì Phượng số 2B Phan Chu Trinh và Madam Khánh số 115 Trần Cao Vân. Với khoảng 20.000VNĐ bạn đã có một chiếc bánh mì ăn no căng.
Cơm gà phố hội
Cơm gà là món ăn thể hiện sự khéo léo, cầu kì trong ẩm thực của người Hội An. Một đĩa cơm gà chứa đựng đầy đủ sắc - hương - vị, gạo nấu dẻo thơm, thịt gà xé nhỏ nêm nếm vừa đủ ăn kèm với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế càng tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Các quán cơm gà Hội An ngon đúng điệu du khách có thể tham khảo trong cẩm nang du lịch Hội An của mình là quán Cơm gà Bà Buội 26 Phan Chu Trinh, cơm gà Hương 56 Lê Lợi, cơm gà Bà Nga số 8 Phan Chu Trinh.
Cao lầu
Xuất hiện ở Hội An từ thế kỉ 17, cao lầu là món ăn ngon chỉ có thể ở Hội An bạn mới cảm nhận hết vị ngon của nó. Ăn cao lầu bạn sẽ cảm thấy nó hơi hướng hương vị ẩm thực người Hoa, nhưng cũng giống mì lạnh của người Nhật với nguyên liệu đậm chất Việt Nam.
Du khách có thể tìm thấy đặc sản Hội An - cao lầu ở khắp nơi trên đường Trần Phú từ gánh hàng rong cho tới nhà hàng lớn, nổi tiếng nhất là quán cao lầu Bà Bé, nhà hàng Trung Bắc.
Chè bắp
Chè bắp được nấu từ bắp Cẩm Nam ngon có tiếng ở Hội An. Chè có vị ngọt, thanh tao và tự nhiên của bắp mới. Khi ăn sẽ rưới chút nước cốt dừa để tăng vị béo ngậy. Sự thơm ngon của món chè bắp đã khiến một món ăn dân dã trở nên nổi tiếng.
Bạn có thể nếm thử món chè bắp Hội An hấp dẫn ở vỉa hè phố Trần Phú, Lê Lợi với giá 7.000 VNĐ/ bát.
Bánh bao – bánh vạc
Đây là hai loại bánh có cách làm gần giống nhau, khi ăn người ta cũng xếp chung trên một đĩa. Sự khác nhau duy nhất giữa hai loại bánh nằm ở phần nhân bánh. Bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với ít tiêu, tỏi, hành, sả băm nhuyễn cùng một số gia vị khác. Còn bánh bao làm từ thịt lợn, nấm hương, hành lá thái mỏng rồi xào cùng các gia vị gia truyền.
Nếu bạn muốn tận mắt nhìn thấy quá trình làm bánh bao bánh vạc – món đặc sản Hội An nổi tiếng hãy ghé quán Bông hồng trắng trên đường Nhị Trưng.
Bánh bèo
Bánh bèo Hội An được làm từ gạo ngon với phần nhân bánh chủ yếu là tôm hoặc thịt. Ngườ ta sẽ xếp bánh trong những chiếc chén nhỏ xinh, khi ăn rưới nước mắm lên và thưởng thức.
Bánh bèo Hội An ngon đúng chuẩn được bày bán rất nhiều tại khu phố cổ, hoặc khu vực Cẩm Châu, Cẩm Nam.
Bánh xèo Hội An
Bánh xèo được xem là món đặc sản Hội An ngon chính hiệu. Bánh xèo được làm liên tục nên lúc nào thực khách cũng có thể nếm bánh xèo nóng hổi. Bánh xèo với vỏ bánh giòn thêm nhân tôm, thịt, giá chấm cùng nước chấm chua ngọt vô cùng hấp dẫn.
Du khách đi tour du lịch Đà Nẵng - Hội An có thể ghé quán Giếng Bà Lễ số 45/51 Trần Hưng Đạo thưởng thức món bánh này.
Mì Quảng
Nhìn bên ngoài, mì Quảng trông giống như cao lầu, nhưng chỉ cần nếm thử thôi bạn sẽ thấy hương vị đặc trưng hoàn toàn khác. Mì Quảng thường được ăn cùng với tôm, thịt, trứng cút và các loại rau sống.
Mì Quảng đặc sản Đà Nẵng – Hội An nổi tiếng có mặt ở quán Bà Minh khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An.
Du lịch Hội An lưu trú ở đâu – khách sạn, nhà nghỉ hay homestay?
Hội An là thành phố du lịch nên địa điểm lưu trú tại Hội An cũng rất đa dạng cho bạn thoải mái lựa chọn phù hợp với sở thích, tài chính cũng như mục đích chuyến đi của bạn. Nhưng có một lưu ý nhỏ là nếu đã có dự định đi du lịch Hội An bạn nên đặt phòng lưu trú sớm, nếu không sẽ không tìm được điểm lưu trú phù hợp, hơn nữa vào mùa cao điểm giá cả các điểm lưu trú cũng tăng cao hơn ngày thường.
Có một số điểm lưu trú dưới đây mà cẩm nang tour du lịch trong nước muốn gợi ý cho bạn:
Ha An Hotel
Địa chỉ: số 6 - 8 Phan Bội Châu
Khách sạn nằm ở vị trí khá thuận lợi, chỉ cách trung tâm phố cổ Hội An 5 phút đi bộ, cách biển Cửa Đại 20 phút. Khách sạn còn có phục vụ ăn sáng tự chọn hàng ngày và cho thuê xe đạp miễn phí.
Fireworks Homestay
Địa chỉ: 41 Nguyễn Trường Tộ
Fireworks Homestay nằm cách bãi biển 1 phút đi bộ và cách Hội quán Quảng Đông 1 km. Đây là điểm lưu trú vô cùng lý tưởng cho những du khách yêu thích biển cả. Ngoài ra ở đây cũng có phục vụ bữa sáng cho bạn.
Hoi An Maison Vui Villa
Địa chỉ: 362/15 Cửa Đại
Nếu như tài chính dư giả một chút bạn hãy chọn Hoi An Maison Vui Villa để lưu trú khi tới Hội An. Nơi đây chỉ cách Bảo tàng lịch sử 2 km. Ngoài ra thì villa cũng cung cấp xe đạp miễn phí cho du khách và bữa sáng tự chọn hàng ngày.
Gia Viên Homestay
Địa chỉ: 189 Lý Thái Tổ
Đây là địa chỉ du lịch Hội An được các cặp đôi đặc biệt yêu thích, rất nhiều du khách đều đánh giá đây là địa chỉ khách sạn đáng đến ở Hội An. Gia Viên nằm cách Chùa Cầu hơn 1km, từ đây đến các điểm tham quan khác cũng mất chưa đến nửa tiếng đi bộ.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số Homestay đẹp ở Hội An như An Bàng Seaside Village, Red Flower Cottage Homestay, Maison De Tau, An Bàng Garden Homestay, Heron House.
Đi du lịch Hội An mua gì về làm quà?
Sau khi có chuyến vui chơi ý nghĩa ở Hội An, bạn đừng quên đem những món quà du lịch Đà Nẵng – Hội An đặc trưng nơi đây về làm kỉ niệm nhé.
Đèn lồng
Đèn lồng từ lâu trong mắt du khách đã trở thành nét đẹp của Hội An. Mỗi khi thành phố lên đèn, đi dạo qua những con phố thắp sáng bởi đèn lồng thật lãng mạn làm sao. Đèn lồng Hội An được làm khá đẹp, có thể thu gọn thích hợp cho du khách mang về làm quà.
Bạn có thể tìm mua đèn lồng trên con phố Trần Phú hay Lê Lợi, giá cả không quá đắt chỉ vài chục một cái.
May quần áo
May quần áo ở Hội An vừa rẻ lại vừa đẹp, lại nhanh chóng. Bạn chỉ cần ghé một tiệm quần áo nào đó chọn vải và kiểu dáng để người thợ lấy số đo, sau đó bạn có thể tiếp tục chuyến hành trình khám phá Hội An của mình. Vài tiếng sau khi bạn quay trở lại đã có ngay bộ quần áo ưng ý. Nếu không thể chờ bạn có thể để lại địa chỉ để cửa hàng may đo chuyển sản phẩm đến tận nơi cho bạn.
Các của hàng may mặc du khách có thể tham khảo trong cẩm nang du lịch Hội An của mình như shop Thu Thủy 60 Lê Lợi, Yaly 358 Nguyễn Duy Hiệu, Á Đông Silk 40 Lê Lợi, Bảo Khánh 101 Trần Hưng Đạo.
Giày dép
Giày dép cũng là món quà Hội An độc đáo được nhiều du khách chọn mua khi tới Hội An. Giày dép ở đây đa dạng, phong phú từ những đôi guốc gỗ cho đến những đôi giày dép sang trọng.
Ở Hội An có các cửa hàng giày dép như hiệu giày Funky 38 Bạch Đằng, hiệu giày Cẩm Tú 8 Hoàng Văn Thụ.
Các loại bánh
Bạn có thể mua các loại bánh đặc sản Hội An về làm quà như bánh in, bánh ít lá gai, bánh đậu xanh Hội An.
Món đặc sản Hội An khác
Những món đồ khác bạn có thể chọn mua như tranh nghệ thuật, đồ lụa tơ tằm, khắc gỗ, đồ thêu ren, đồ lưu niệm,…
Một vài lưu ý khi tới du lịch Hội An
Bạn nên chọn thời điểm sáng sớm hoặc buổi đêm để đi dạo ngắm nhìn khung cảnh vắng lặng, lãng mạn của phố cổ.
Bạn có thể ghé bến Bạch Đằng với thuyền văn hóa dạo quanh sông hòa tấu nhạc dân tộc đặc sắc.
Người dân Hội An rất thân thiện nên bạn cứ thoải mái dạo phố một mình và mua sắm tất cả các cửa hàng bạn mong muốn mà không lo vấn đề “chặt chém giá”.
Bạn cũng đừng quên xếp trong hành lí của mình một số vật dụng cần thiết khi du lịch Đà Nẵng – Hội An như mũ nón, kính mát và kem chống nắng nhé.
Có cẩm nang du lịch Hội An trong tay rồi, bạn còn chần chờ gì mà không lên một tour Đà Nẵng - Hội An ngay bây giờ?